Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp huyện, thị và Sở, ngành (DDCI) được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị và sở ngành - những cấp chính quyền có quan hệ trực tiếp với các cơ sở kinh tế trên địa bàn như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà đầu tư.
Quá trình phát triển
DDCI lần đầu tiên được triển khai xây dựng tại Việt Nam vào năm 2013 do Economica Vietnam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai. Lần đầu tiên, bộ khung chỉ số về đánh giá các lĩnh vực quản lý và điều hành kinh tế ở cấp địa phương được hình thành và xây dựng. Tại Lào Cai, DDCI đã được thực hiện liên tục trong những năm vừa qua và đã trở thành một công cụ quan trọng cho công tác điều hành tại tỉnh, hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh tại tỉnh, và góp phần để Lào Cai liên tục duy trì được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) trong những năm vừa qua.
Tiếp theo Lào Cai, DDCI đã được nhiều tỉnh lựa chọn triển khai, ví dụ như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Thừa Thiên - Huế, Sơn La, Quảng Nam, Đắk Nông, Đồng Tháp, Gia Lai… DDCI tiếp tục chứng minh là một công cụ hiệu quả nhằm cải thiện năng lực quản lý, điều hành kinh tế tại các tỉnh, ví dụ như tại các tỉnh như Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bắc Ninh tại đó DDCI đã góp phần cải thiện thứ hạng và củng cố vị trí xếp hạng cao của các tỉnh này trong bảng xếp hạng PCI trong những năm vừa qua. Đặc biệt, DDCI đã trở thành một trong những nội dung ưu tiên trong chỉ đạo và trong điều hành của các tỉnh nhằm thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Sau sáu năm thực hiện, và trên cơ sở kinh nghiệm triển khai của nhiều tỉnh, DDCI tiếp tục được cải tiến về phương pháp luận cũng như cách thức thực hiện.Một phiên bản hoàn toàn mới của DDCI đã được xây dựng và trải qua quá trình kiểm nghiệm, thẩm định khắt khe của các tỉnh tham gia và các chuyên gia hàng đầu về điều hành và quản lý kinh tế địa phương. Phương pháp luận DDCI hoàn toàn mới và phương thức triển khai sáng tạo, tiên tiến, hiện đại hiện đang được triển khai đồng loạt tại một số tỉnh, bắt đầu từ DDCI năm 2019.
DDCI hướng tới mục tiêu chính là nâng cao chất lượng quản lý và điều hành kinh tế tại cấp tỉnh và huyện. Do vậy chỉ số này được xây dựng nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động nhằm cải thiện công tác và quản lý, điều hành kinh tế tại địa phương, với mục đích mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Điều này cũng trực tiếp mang lại lợi ích về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cho nền kinh tế và người dân tại địa phương.
Do vậy, DDCI dựa trên quan điểm nền tảng là doanh nghiệp kỳ vọng như thế nào đối với các cơ quan chính quyền, cụ thể là các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị, các sở, ngành trong công tác quản lý và điều hành kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp, cụ thể là các cơ sở kinh tế, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp, luôn kỳ vọng rằng các cơ quan chính quyền địa phương sẽ đáp ứng được các nguyên tắc mang tính nền tảng trong quản lý và điều hành kinh tế. DDCI cũng được xây dựng trên cơ sở vai trò, nhiệm vụ và chức năng quản lý của các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị và các sở ngành theo các quy định hiện hành của Việt Nam về tổ chức chính quyền cấp huyện và tỉnh. Thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số nguyên tắc cơ bản về quản lý và điều hành kinh tế phù hợp với các cơ quan chính quyền cấp sở, ngành và huyện, thị tại Việt Nam bao gồm:
1. Hiệu quả trong thực hiện chính sách và quy định pháp luật với tinh thần vì doanh nghiệp
2. Chất lượng dịch vụ công liên tục được cải thiện
3. Minh bạch thông tin và đối xử công bằng với doanh nghiệp
4. Lãnh đạo chính quyền năng động, tiên phong, lắng nghe và hành động vì doanh nghiệp
5. Đối thoại thường xuyên có trách nhiệm với doanh nghiệp và đề cao trách nhiệm giải trình
6. Gia nhập thị trường dễ dàng, thuận tiện với chi phí thấp
7. Dễ dàng và minh bạch trong tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh
8. Hiệu quả trong hoạt động cấp phép và thanh tra, kiểm tra
9. Thủ tục thuế đơn giản, thuận lợi, minh bạch và công bằng
10. Thủ tục hành chính được cải thiện mạnh mẽ và bộ phận một cửa hoạt động hiệu quả
11. Hoạt động hỗ trợ kinh doanh thiết thực, hiệu quả, công bằng
12. Chi phí không chính thức được đẩy lùi
13. Các nội dung phát triển bao trùm, xã hội và bình đẳng giới được quan tâm
14. Môi trường, sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử được chú trọng trong công tác điều hành
Các nguyên tắc này được hình thành trên cơ sở các khảo sát đối với cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và triển khai DDCI trong những năm vừa qua, nghiên cứu các tài liệu và quy định về vai trò, nhiệm vụ và chức năng quản lý của cơ quan chính quyền địa phương, cũng như các thông lệ quốc tế. Đây chính là những nguyên tắc được sử dụng làm nền tảng cho việc hình thành khung chỉ số của DDCI và là cơ sở để hình thành thang điểm để các “hộ kinh doanh, cơ sở kinh tế và doanh nghiệp” chấm điểm về chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị và các sở ngành. Phương pháp luận của DDCI và các công cụ như phiếu điều tra, công cụ xếp hạng do vậy đều tuân thủ các nguyên tắc này. Với nguyên tắc doanh nghiệp chấm điểm chính quyền, điểm số cũng như thứ hạng của các sở, ngành và huyện, thị thực sự dựa trên điểm số trung bình chung của điểm số mà các cơ sở kinh tế, hộ kinh doanh và doanh nghiệp được khảo sát đã chẩm điểm đối với từng chỉ tiêu về các mặt quản lý và điều hành kinh tế của chính quyền huyện, thị và các sở ngành.
DDCI như là chiếc gương phản chiếu chính xác cảm nhận của các cơ sở kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân về các mặt và công tác quản lý, điều hành kinh tế của các cấp chính quyền địa phương. DDCI cũng là một nhiệt kế đo lường sự hài lòng về môi trường kinh doanh và cảm nhận về triển vọng kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh cấp huyện và tỉnh.
Lộ trình triển khai DDCI Hà Tĩnh
Cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh Hà Tĩnh; Trên nền tảng đó, thời gian qua tỉnh ta đã thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiệm vụ và giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do vậy, chỉ số PCI của tỉnh Hà Tĩnh liên tục được cải thiện thứ hạng và luôn nằm trong nhóm khả của cả nước, là một trong 5 tỉnh cải thiện chất lượng điều hành nền kinh tế thay đổi mạnh mẽ nhất cả nước tỉnh từ năm 2006 đến nay. Duy trì đà tăng trưởng ấn tượng đó, năm 2019, Chỉ số PCI của Hà Tĩnh đạt 65,46 điểm tăng 1,47 điểm so với năm 2018, duy trì chuỗi tăng điểm 5 năm liên tục. Tuy vậy, thứ bậc xếp hạng PCI của tỉnh bị giảm bậc từ thứ 23 (năm 2018) xuống thứ 27 cả nước, thuộc nửa trên của nhóm tỉnh có chỉ số khá.
Để tiếp tục hoàn thiện về thể chế, năng lực điều hành, năng lực đối thoại của chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố và cơ quan tham mưu cho tỉnh gồm các Sở, ban, ngành nhằm góp phần xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh động lực phát triển của vùng Duyên Hải Miền Trung, UBND Tỉnh Hà Tĩnh xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hà Tĩnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh trong thời gian tới.
Nhằm giải quyết được những mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh xác định việc xây dựng, vận hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành và địa (DDCI) sẽ là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả để tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các Sở, ngành, địa phương; từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh theo PCI quốc gia.
Ngày 14/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã họp thảo luận Đề án xây dựng và triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh (DDCI). Kết luận tại hội nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh giao Sở KH&ĐT xin ý kiến các sở, ngành địa, phương, lần cuối để tổng hợp trình UBND tỉnh sẻ xem xét. Dự kiến tỉnh sẽ ban hành bộ chỉ số trong nửa đầu tháng 8/2020 để triển khai thực hiện.
Hoàng Trung Thông - Hiệp hội DN Tỉnh
Hôm nay : 210
Tháng này : 11390
Tổng truy cập : 94335608