Việc các doanh nghiệp phải hứng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 là không thể tránh khỏi, theo đó nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng sản xuất thậm chí là buộc phải phá sản kéo theo đó là rất nhiều lao động bị mất việc làm hoặc tạm nghỉ việc. Trong trường hợp này cần có giải pháp gì để hỗ trợ người lao động? Xung quanh vấn đề này phóng viên Báo Hải quan đã phỏng vấn ông Bùi Sỹ Lợi (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Ông đánh giá như thế nào về những tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động và việc làm của Việt Nam?
Hiện nay dù chưa có những thống kê cụ thể về số người thất nghiệp do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng những con số về doanh nghiệp phá sản, tạm ngưng hoạt động cũng phần nào cho thấy ảnh hưởng của nó đến thị trường lao động. Theo quan sát và xem xét của cá nhân tôi thì trong một góc độ hẹp nó bị tác động bởi một số nhóm. Cụ thể, sẽ có 2 nhóm, một là bản thân người lao động đang nằm tại vùng có dịch xảy ra, không thể chuyển vào các khu công nghiệp và nhà máy để tiếp tục làm việc vì phải cách ly để chống dịch, ví dụ như Vĩnh Phúc.
Hai là các lao động làm việc trong những doanh nghiệp FDI về quê dịp Tết và quay trở lại đúng vào thời điểm bùng phát dịch Covid-19 và phải thực hiện cách ly (đối với những người đến từ vùng dịch). Ở trường hợp này, doanh nghiệp không chỉ sử dụng lao động hiện tại mà phải có chiến lược thu hút người lao động tại chỗ và ở những vùng không có dịch, chuyển vào thay thế lao động không tiếp cận được.
Trong thời gian tới nếu dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng như hiện nay thì việc tác động đến thị trường lao động của Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta sẽ phải hạn chế lao động của các nước đang làm việc ở Việt Nam mà đến từ vùng dịch hoặc đã dịch chuyển khỏi Việt Nam khi có dịch xảy ra. Bên cạnh đó, khi chúng ta không nhập khẩu được nguyên liệu từ những vùng có dịch thì rõ ràng chúng ta sẽ phải chịu sự tác động trong ngắn hạn và điều này tác động dài hạn trong tương lai nếu chúng ta không có giải pháp khắc phục hoặc nếu như dịch bệnh không được ngăn chặn, vẫn tiếp diễn.
Khi có biến cố như dịch bệnh, thiên tai… xảy ra thì sự hỗ trợ của Nhà nước là cần hơn bao giờ hết. Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua được khó khăn trên. Ông đánh giá như thế nào về những gói hỗ trợ này?
Ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid-19, Chính phủ đã xác định tập trung thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế- xã hội. Đến thời điểm này, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp, người lao động và cả nền kinh tế đang bộc lộ ngày càng rõ.
Việc cần làm ngay là thực hiện nghiêm các biện pháp nêu trong Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/3/2020. Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là các biện pháp về: Cân đối, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, thực hiện gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng; gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đáng chú ý, mới đây nhất đã có thêm một sự hỗ trợ nữa cho doanh nghiệp đó chính là tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hôi (BHXH) vào Quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Có thể nói rằng, “gói giải cứu” này khác với tất cả các “gói giải cứu” mà Chính phủ đã thực hiện trước đây. Tôi đánh giá đây là những chính sách rất tốt, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta không đánh đổi lợi ích kinh tế lấy tính mạng, sự an toàn của người dân là rất đúng, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không phát triển được kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Phải tận dụng mọi cơ hội để duy trì và phát triển kinh tế, trong đó vai trò “bà đỡ” của Nhà nước lúc này là hết sức quan trọng”.
Theo ông, đối với riêng đối tượng là người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra cần có thêm các chính sách hay biện pháp gì để hỗ trợ?
Do tác động của dịch Covid-19, một số doanh nghiệp phải đóng cửa, hoặc tạm dừng hoạt động dẫn đến thất nghiệp hoặc thất nghiệp tạm thời, chính vì vậy, chúng ta cần rà soát, thống kê và kịp thời chi trả Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị thất nghiệp để họ có thể bảo đảm được cuộc sống hàng ngày và có thể được đào tạo, nâng cao tay nghề hoặc có thể chuyển sang ngành nghề khác, duy trì được thu nhập. Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì nếu không, người lao động sẽ dễ bị khó khăn kép khi vừa phải chống đỡ với dịch bệnh Covid-19 vừa chống đỡ với việc không có thu nhập, dẫn tới không bảo đảm được cuộc sống của bản thân và gia đình.
Đối với các doanh nghiệp hiện đang phải tạm dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu, do không xuất khẩu được hàng hóa thì có thể tranh thủ thời gian này tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho người lao động. Có thể dùng một phần Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc này. Với khoảng 70.000 tỷ đồng kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay, theo tôi, có thể vận dụng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.
Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ để dành cho người lao động khi thất nghiệp mà còn để đào tạo, đào tạo lại cho người lao động trở lại thị trường lao động, phòng ngừa thất nghiệp, giúp người lao động luôn có việc làm. Chúng ta phải dùng giải pháp trợ cấp thất nghiệp và cố gắng đào tạo lại lực lượng lao động thì mới có nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước, cũng như tránh tình trạng người lao động rơi vào tình cảnh không có việc làm, gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, khi có biến cố xảy ra, có khủng hoảng thì bao giờ việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu khi bị tác động là rất quan trọng. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của chúng ta không chỉ là ngắn hạn, không chỉ là hiện tại mà chúng ta phải tính cho dài hạn và tương lai. Sở dĩ phải chuẩn bị nguồn nhân lực dài hơi vì chất lượng nguồn nhân lực hiện tại của nước ta rất thấp. Lao động qua đào tạo chiếm tới 60% trong tổng số người lao động trong độ tuổi làm việc. Nghe qua thì nhiều nhưng gốc, lõi của vấn đề chỉ có 25% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Những lao động này ít khi rơi vào tác động của khủng hoảng, kể cả về kinh tế, dịch bệnh. Còn lại 35% người lao động trong tổng số 60% người lao động qua đào tạo là không có nghề, rất khó để thay đổi.
Để xử lý vấn đề này, doanh nghiệp cần có phương pháp quản trị. Đó là phải đào tạo lao động có nghề chủ lực và nghề hiểu biết. Từ đó, khi có những thay đổi, người lao động có thể chuyển dịch nghề nghiệp ngay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị chiến lược đào tạo lại ngay để xử lý vấn đề.
Xin cảm ơn ông!
Theo https://thuvienphapluat.vn/
Hôm nay : 1342
Tháng này : 24504
Tổng truy cập : 97860322