Những thông tin toàn cảnh về tình hình doanh nghiệp (DN) Việt Nam vừa được công bố tại Sách trắng doanh nghiệp 2020 cho thấy, ngay cả khi chưa bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cũng đã phải đối mặt nhiều khó khăn.
Theo số liệu điều tra và cập nhật của ngành thống kê tại thời điểm ngày 31-12-2018, cả nước có 610.637 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh, tăng 9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, số DN kinh doanh có lãi chỉ chiếm 44,1%; 7,5% số DN kinh doanh hòa vốn và 48,4% kinh doanh lỗ. Xét theo loại hình DN, khu vực DNNN có 78,5% số DN hoạt động có lãi, 2,2% số DN hòa vốn và 19,3% số DN thua lỗ. Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có 51,5% số DN kinh doanh có lãi, 1,9% số DN hòa vốn và 46,6% số DN kinh doanh thua lỗ. Khu vực DN tư nhân chiếm tới 96,9% tổng số DN cả nước nhưng lại là khu vực kinh doanh kém hiệu quả nhất. Cụ thể, chỉ có 43,7% số DN kinh doanh có lãi, 7,7% số DN hòa vốn và 48,6% số DN kinh doanh thua lỗ. Doanh thu của DN và thu nhập của người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân cũng vì thế mà ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, cũng có yếu tố lạc quan khi đây là khu vực duy nhất tạo ra lợi nhuận trước thuế tăng so năm trước với mức tăng hai con số.
Khu vực kinh tế tư nhân hai năm trở lại đây có sự phát triển vượt bậc, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước. Nhưng năng suất, chất lượng, hiệu quả của khu vực DN này thấp hơn so với DN nhà nước và DN FDI vì nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân quan trọng là quy mô của các DN tư nhân chủ yếu ở mức nhỏ và siêu nhỏ cho nên không có điều kiện về vốn, lao động cũng như đầu tư công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển. Phần lớn các DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực bán buôn bán lẻ, nhà hàng ăn uống… là khu vực dễ bị tổn thương. Đáng lưu ý, từ năm 2020, ngành nghề kinh doanh này bị ảnh hưởng nặng nề và đang ngưng trệ hoạt động vì dịch Covid-19. Do đó, “sức khỏe” của các DN Việt Nam còn tiếp tục yếu đi so với bức tranh toàn cảnh đã công bố tại Sách trắng doanh nghiệp 2020.
DN là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp tới 60% vào GDP cả nước. Bởi vậy, thúc đẩy phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của DN cũng chính là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Để DN hoạt động hiệu quả hơn, các chuyên gia khuyến nghị: Đối với các cơ quan nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách cho khu vực DN theo hướng quyết liệt giảm chi phí kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội; tạo dựng chính sách kinh tế để khuyến khích DN đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của DN...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến nhanh và phức tạp, Chính phủ đã có các giải pháp cụ thể hỗ trợ DN tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy lùi khó khăn để ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển, trong đó, thời gian tới cần hướng đến khai thác và phát triển thị trường nội địa. Về phía các địa phương, cần xác định lợi thế và tiềm năng của địa phương mình để định hướng phát triển DN, tạo động lực tăng trưởng bứt phá, bền vững. Đối với các DN, cần tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các công nghệ lõi có tính tiên phong. Chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất, kinh doanh để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế…
Hương Thảo (Theo Nhandan.com.vn)
Hôm nay : 2491
Tháng này : 20137
Tổng truy cập : 63700128