Việc các nước thực hiện chính sách bảo hộ công dân, đưa chuyên gia về nước vì COVID-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam “chết dở”...
Sử dụng chuyên gia, lao động nước ngoài từng là "thế mạnh" của nhiều doanh nghiệp, thì nay lại trở thành điểm yếu với chính các doanh nghiệp này.
Dịch bệnh COVID-19 khiến hơn nhiều doanh nghiệp FDI có người đứng đầu, chuyên gia về nước chưa trở lại được, gây khó khăn trong điều hành sản xuất và thực hiện các đơn hàng mới.
Công ty CP Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch III giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) vừa thu hút được hơn 50 doanh nghiệp đến thuê nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh ở trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch III giai đoạn 2 và đa số là doanh nghiệp FDI.
Thế nhưng, dịch bệnh COVID-19 khiến hơn 30 doanh nghiệp FDI có người đứng đầu, chuyên gia về nước chưa trở lại được, gây khó khăn trong điều hành sản xuất và thực hiện các đơn hàng mới.
Tại một doanh nghiệp trong nước khác, ngay trong dịch COVID đợt I, xưởng may dừng hoạt động. Hơn 100 công nhân tại đây phải bố trí sang các xưởng khác. Lý do là đơn hàng từ nước ngoài chỉ sản xuất nếu có sự giám sát của 2 kỹ thuật viên Trung Quốc. Nhưng 2 người này vừa nhập cảnh đã được cách ly.
Đây chỉ là 2 ví dụ trong rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang rơi vào cảnh đình trệ, “chết dở” vì thiếu vắng các chuyên gia nước ngoài. Theo Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 7/2019, có 91.200 người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam; trong đó có 81.900 người thuộc diện cấp giấy phép. Lao động nước ngoài vào Việt Nam hiện đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, lao động Trung Quốc chiếm 22,4%; lao động Hàn Quốc chiếm 34,4%; lao động đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác chiếm 43,2%.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, hầu hết lao động nước ngoài đều là các nhà quản lý hoặc chuyên gia ở các dự án, công trình trọng điểm. Thời gian qua, các địa phương đều tích cực, chủ động các phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế. Tuy nhiên, các vị trí thiếu hụt đều đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, kinh nghiệm quản lý, ngoại ngữ, điều hành lâu năm thì trong khoảng thời gian ngắn lao động Việt Nam chưa đáp ứng được ngay, cần phải có thời gian đào tạo, chuyển đổi.
Ông Peter Wu, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai chia sẻ rằng nhiều doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn là chủ doanh nghiệp, chuyên gia về nước trong dịp tháng 2/2020, gặp dịch bệnh Covid-19 đã phải ở lại, chưa quay trở lại Việt Nam. Các công ty gặp cảnh thiếu chuyên gia, người đứng đầu nên đôi khi bỏ lỡ mất một số đơn hàng, cơ hội phục hồi, phát triển sản xuất.
“Vì thế tôi nghĩ sau đợt dịch này, các doanh nghiệp FDI nên tuyển và đào tạo các chuyên gia, người quản lý công ty là người Việt để khi xảy ra bất trắc vẫn có thể điều hành từ xa” - ông Peter Wu đề xuất.
Có thể nói, việc thiếu hụt lao động chất lượng cao là một thực tế tồn tại lâu nay của thị trường. Đến nay, đợt dịch COVID-19 càng khiến vấn đề này trở nên rõ hơn. Vì vậy, Việt Nam cần sớm giải bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, không chỉ với doanh nghiệp FDI, mà ngay cả với doanh nghiệp trong nước, nhằm hạn chế rủi ro về phụ thuộc nguồn nhân lực từ bên ngoài.
Hôm nay : 1841
Tháng này : 10872
Tổng truy cập : 94235070