Công tác cải cách hành chính (CCHC) của Hà Tĩnh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật và tiếp tục được xác định là 1 trong 3 mũi đột phá nhiệm kỳ mới trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Từ kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII (7/2020), Hà Tĩnh đã tiến hành “Kỳ họp không giấy”.
Tập trung cho công tác CCHC với nhiều giải pháp quyết liệt, đến nay, thủ tục hành chính (TTHC) của Hà Tĩnh được triển khai theo hướng hiện đại, đơn giản, giảm chi phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện.
Hiện nay, 100% TTHC của các cấp, ngành được công khai, thống nhất trên môi trường internet và tại bộ phận một cửa các cấp; 100% TTHC được đưa vào tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Tĩnh, trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã.
Hà Tĩnh thực hiện thành công việc cắt giảm 1/3 thành phần hồ sơ, giảm ½ thời gian giải quyết các TTHC, tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng mỗi năm cho người dân, doanh nghiệp.
Người dân, doanh nghiệp đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hà Tĩnh.
Hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng, phần mềm chuyên dụng có bước nhảy vọt. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử của cả 3 cấp đạt trên 95%. Đến nay, trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đã có 1.746 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, có 32 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Cải cách tổ chức bộ máy là điểm nhấn đáng chú ý trong tổ chức thực hiện CCHC của Hà Tĩnh. Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Tĩnh, 13 trung tâm hành chính công huyện, thành phố, thị xã được thành lập để giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Công tác tinh giản biên chế được triển khai mạnh mẽ với hơn 2.836 biên chế được cắt giảm trong giai đoạn 2015-2020.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh triển khai hệ thống đo lường sự hài lòng của người dân qua 5 cấp độ.
Đặc biệt, sau khi có các Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Hà Tĩnh đã nhanh chóng bắt tay thực hiện với những cách làm bài bản, sáng tạo và đạt được những kết quả to lớn.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Trung, đến nay, tỉnh đã sắp xếp giảm 3 tổ chức tương đương sở, 44 chi cục, phòng chuyên môn thuộc sở, UBND cấp huyện; chuyển 17 đơn vị sự nghiệp sang hoạt động tự đảm bảo 100% chi thường xuyên. Thực hiện chủ trương sáp nhập xã, thôn, toàn tỉnh đã giảm 46 xã, giảm thêm 183 thôn, tổ dân phố, giảm 2.698 cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, giảm 26.170 người hoạt động ở thôn, tổ dân phố; qua đó, giúp tiết kiệm hơn 100 tỷ đồng/năm.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ đạt chuẩn của cán bộ xã năm 2019 đạt 95,95%, tỷ lệ đạt chuẩn của công chức xã năm 2019 đạt 100%; kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt.
Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nên chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở ngày càng được chuẩn hóa
“Nhìn lại chặng đường vừa qua, điều đáng phấn khởi nhất là chỉ số CCHC của Hà Tĩnh đều tăng dần lên từng năm và năm 2019, Hà Tĩnh đã lọt vào tốp 12 tỉnh, thành có chỉ số CCHC cao nhất cả nước; 4 năm liên tục (từ 2016-2019), Hà Tĩnh xếp thứ nhất về CCHC trong khu vực Bắc Trung Bộ” - ông Trần Đình Trung chia sẻ.
Hà Tĩnh đã cải thiện được môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, bước vào giai đoạn mới, Hà Tĩnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa chỉ số CCHC của tỉnh vào top 10 địa phương đứng đầu cả nước trong giai đoạn 2020-2030.
Để thực hiện được mục tiêu đó, nhiệm vụ đặt ra cho các cấp, ngành là tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; rà soát, sửa đổi các quy định TTHC theo hướng đơn giản và chuẩn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Hôm nay : 1422
Tháng này : 10382
Tổng truy cập : 94092069