Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Tĩnh đón trên 3,5 triệu lượt khách tham quan, tuy nhiên khách lưu trú chỉ đạt hơn 447 nghìn lượt, giảm 18% so với cùng kỳ.
0:00/0:00
0:00
Nam miền Bắc
CHIA SẺ1
Theo kế hoạch, năm 2024, ngành du lịch Hà Tĩnh phấn đấu đạt chỉ tiêu đón 4 triệu lượt khách tham quan, 1,3 triệu lượt khách lưu trú nội địa, 20 nghìn lượt khách lưu trú quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, với việc đón khoảng 3.512.700 lượt khách tham quan, du lịch toàn tỉnh đã vượt mức cả năm 2023 (3,36 triệu lượt) và đạt 87% kế hoạch năm 2024.
Du khách nhộn nhịp tham quan chùa Hương Tích trong ngày khai hội đầu xuân Giáp Thìn 2024.
Tuy nhiên, lượng khách lưu trú chỉ đạt 447.770 lượt (gồm: 439.918 lượt khách nội địa, 7.852 lượt khách quốc tế), so với cùng kỳ năm 2023 giảm khoảng 18% và chỉ đạt gần 35% so với kế hoạch năm 2024.
Ngoài điểm sáng là Cẩm Xuyên có lượng khách tham quan và lưu trú bứt phá đồng đều, Can Lộc có sự chuyển biến tích cực, các nơi còn lại lượng khách tham quan tăng và khách lưu trú giảm.
Hạ tầng khang trang cùng nhiều sản phẩm hấp dẫn giúp KDL Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) là điểm sáng trong toàn tỉnh khi thu hút 135.000 lượt khách lưu trú trong 6 tháng đầu năm 2024.
Cụ thể, trong 6 tháng qua, Cẩm Xuyên đã đón 706.000 lượt khách tham quan, tăng 126.000 lượt; khách lưu trú đạt 140.000 lượt, tăng 68.000 lượt so với cùng kỳ năm 2023. Huyện Can Lộc đạt 396.000 lượt khách tham quan, tăng 113.650 lượt; khách lưu trú đạt 33.207, tăng gần 9.000 lượt...
Ngược lại, ở Nghi Xuân trong những tháng đầu năm, lượng khách tham quan trên 519.000 lượt, tăng hơn 260.000 lượt nhưng khách lưu trú chỉ đạt 42.509 lượt, giảm 31.249 lượt so với cùng kỳ năm 2023; TX Kỳ Anh có lượng khách tham quan tăng đột biến với trên 792.000 lượt, tăng trên 530.000 lượt, khách lưu trú chỉ đạt 42.089 lượt, giảm 17.242 lượt so với cùng kỳ.
Tương tự các địa phương khác như Lộc Hà, Hương Sơn, Thạch Hà đều có lượng khách tham quan tăng, song lượng khách lưu trú giảm từ 10.000 - 15.000 lượt; TP Hà Tĩnh, nơi chỉ tập trung lượng khách lưu trú cũng chỉ đạt hơn 107.000 lượt giảm gần 80.000 lượt so với cùng kỳ năm 2023.
Du khách chờ check in tại khách sạn Seabird (KDL Thiên Cầm) trong dịp cuối tuần tháng 6/2024.
Theo các chuyên gia du lịch, lượng khách tham quan tăng không có ý nghĩa nhiều trong đánh giá sự phát triển du lịch của một địa phương. Bởi, lượng khách lưu trú mới là chỉ số, thước đo hiệu quả kinh tế du lịch. Cùng với sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023, lượng khách lưu trú còn có sự chênh lệch lớn đối với lượng khách tham quan.
Chỉ so sánh với tỉnh Nghệ An, chỉ số về khách tham quan và lưu trú của Hà Tĩnh đã có sự cách biệt lớn. Theo thông tin từ báo cáo của ngành du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2024, Nghệ An đón gần 5,5 triệu lượt khách tham quan, trong đó đạt hơn 3,4 triệu lượt khách lưu trú, tương ứng đón 6 khách thì có 4 khách lưu trú. Trong khi đó, Hà Tĩnh với 3,5 triệu lượt khách tham quan, đạt 447.000 khách lưu trú, tương ứng đón khoảng 8 khách chỉ có 1 khách lưu trú.
6 tháng đầu năm 2024, huyện Lộc Hà đón trên 423.000 lượt khách tham quan nhưng chỉ có 17.715 lượt khách lưu trú.
GS.TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam cho biết: "Lượng khách lưu trú của Hà Tĩnh luôn đạt thấp so với nhiều tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và cách biệt so với lượng khách tham quan là thực trạng nhiều năm qua. Điều này cho thấy Hà Tĩnh hiện vẫn đang là điểm trung chuyển ngắn hạn trong các tour, tuyến lữ hành. Du khách ghé qua đây tham quan và chọn điểm khác dừng chân nghỉ dưỡng. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân nhưng rõ nhất là Hà Tĩnh còn thiếu sản phẩm du lịch chủ lực hấp dẫn và có hệ thống để níu chân du khách. Thứ 2 là việc xúc tiến quảng bá còn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Thực tế, nguyên nhân thứ 2 lại có hệ quả từ nguyên nhân thứ nhất, phải "có bột mới gột nên hồ", có sản phẩm tốt mới có thể chào bán được".
GS.TS Nguyễn Văn Đính (thứ 3 từ trái sang) đồng chủ trì Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Tĩnh năm 2024.
Đồng tình với ý kiến của GS.TS Nguyễn Văn Đính, ông Nguyễn Tiến Trình - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ và du lịch Thành Sen (TP Hà Tĩnh) bày tỏ: "Chúng tôi rất muốn quảng bá đưa khách về Hà Tĩnh, tuy nhiên đưa được khách về rồi làm thế nào để khách hài lòng trong chuyến đi và trở lại là điều rất khó. Bởi, các sản phẩm du lịch của địa phương vẫn còn thiếu và yếu. Hiện nay, ngoài KDL Thiên Cầm có sự đầu tư một số sản phẩm như Beachclup, Xuân Thành có sân gofl thì hầu hết các khu, điểm du lịch chỉ dừng lại ở tham quan..".
Du khách check in trải nghiệm sản phẩm Beach Club Thiên Cầm.
Là chủ đơn vị lữ hành đưa được khá nhiều đoàn khách về Hà Tĩnh trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Trung Đức - Giám đốc Công ty TNHH Hello Trip Việt Nam cho biết: "Nhu cầu về sử dụng phòng đạt chất lượng 3-5 sao của du khách ngày càng cao. Trong khi, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh số lượng cơ sở lưu trú đạt chuẩn như vậy chưa nhiều. 6 tháng đầu năm chúng tôi đã đón được 4.500 lượt khách tham quan nghỉ dưỡng có lưu trú, tăng hơn 10% so với cùng kỳ nhưng đơn vị cũng đã từ chối nhiều đoàn khách, bởi dịp cao điểm, số lượng phòng đạt theo yêu cầu của khách không đáp ứng đủ”.
Hiện nay, toàn tỉnh có 294 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 7.000 phòng, trong đó: 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao; 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao - khá khiêm tốn so với một số địa phương lân cận. Cụ thể: Nghệ An (hơn 900 cơ sở lưu trú, trong đó 3 khách sạn 5 sao, 11 khách sạn 4 sao), Thanh Hóa (1.000 cơ sở lưu trú, 4 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao), Quảng Bình (600 cơ sở lưu trú, 3 khách sạn 5 sao, 9 khách sạn 4 sao)…
KDL Xuân Thành (Nghi Xuân) có cơ sở hạ tầng khang trang tuy nhiên số lượng cơ sở lưu trú đạt chất lượng cao còn hạn chế, thiếu các sản phẩm hấp dẫn.
Để tìm giải pháp cải thiện nâng cao lượng khách lưu trú, theo GS.TS Nguyễn Văn Đính, Hà Tĩnh cần tập trung phát triển nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhất là chú trọng sản phẩm chủ lực và có hệ thống. Muốn làm được điều đó phải phát huy các tiềm năng lợi thế, phải trả lời được các câu hỏi: du khách đến đây chơi gì? ăn gì? hoạt động giải trí gì?...
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, lưu trú và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá một cách hiệu quả, lan tỏa đến du khách trong và ngoài nước. Xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng mang bản sắc với nhiều trải nghiệm cũng là một hướng đi tăng tính hiệu quả trong cải thiện lượng khách lưu trú thời gian tới...
Du khách nước ngoài tham quan Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc dịp tháng 5/2024.
Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: "Để tăng cường thu hút du khách, trong đó có cải thiện lượng khách lưu trú, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế du lịch, thời gian qua, Hà Tĩnh cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực cho phát triển du lịch. Một số địa phương đã nỗ lực đầu tư các khu, điểm du lịch như: nâng cấp hạ tầng, cảnh quan môi trường, tạo sản phẩm hấp dẫn như: Cẩm Xuyên với KDL Thiên Cầm, Nghi Xuân với KDL Xuân Thành, TX Kỳ Anh với KDL biển Kỳ Ninh... Tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong muốn.
Thời gian tới, bên cạnh tham mưu tỉnh hướng dẫn chỉ đạo các địa phương tăng cường nâng cấp sơ sở hạ tầng, lưu trú, cảnh quan các khu, điểm du lịch; tạo nhiều sản phẩm mới hấp dẫn thu hút..., Sở VH-TT&DL cũng sẽ tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Hà Tĩnh. Qua đó thu hút du khách, nhất là cải thiện lượng khách lưu trú
Hôm nay : 170
Tháng này : 41252
Tổng truy cập : 89382635