- Thương mại, dịch vụ, du lịch, kinh tế đêm là những lợi thế có thể tạo đột phá để TP Hà Tĩnh phát triển kinh tế đô thị.
Năm 2024, tăng trưởng giá trị sản xuất của TP Hà Tĩnh ước đạt 12%; tổng giá trị sản xuất các ngành (theo giá so sánh 2010) ước đạt 18.389 tỷ đồng.
Theo UBND thành phố, năm 2024, tăng trưởng giá trị sản xuất của TP Hà Tĩnh ước đạt 12%; tổng giá trị sản xuất các ngành (theo giá so sánh 2010) ước đạt 18.389 tỷ đồng. Trong đó, ngành thương mại, dịch vụ (TM-DV) tăng 10%, công nghiệp và xây dựng tăng 17%, ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 8% so với cùng kỳ.
Đến nay, thành phố có 1 trung tâm thương mại quy mô loại II; 21 siêu thị (tăng 17 siêu thị so với năm 2020). Ngoài ra, còn có hàng trăm cửa hàng chuyên doanh, chuyên dùng và các cửa hàng mini tổng hợp. Cùng với đó, hệ thống chợ phát triển theo đúng quy hoạch với 10 chợ, trong đó có 1 chợ loại I, 1 chợ chuyên doanh, 6 chợ loại III.
Hạ tầng TM-DV phát triển, mở rộng đã tạo điều kiện để thành phố thu hút đầu tư, mời gọi ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh đặt chi nhánh, cửa hàng kinh doanh tại địa bàn. Đô thị trung tâm đã quy tụ được những “ông lớn” ngành bán lẻ trên các lĩnh vực, từ tiêu dùng, tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại cao cấp đến điện máy, điện lạnh như: Winmart và hệ thống cửa hàng Winmart+, Co.opmart, Media Vinpearl, Điện máy xanh, Mediamart, Thế giới di động… Lợi thế này không chỉ tạo ra thị trường sôi động, hàng hóa phong phú để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân mà còn trở thành lực hút để thúc đẩy các ngành hàng TM-DV ở địa phương phát triển. Hiện, trên địa bàn có khoảng hơn 2.000 DN, hơn 60 HTX và trên 10.000 hộ kinh doanh, nhiều nhất toàn tỉnh.
Đô thị trung tâm quy tụ nhiều “ông lớn” ngành bán lẻ trên các lĩnh vực, góp phần tạo ra thị trường sôi động, hàng hóa phong phú để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Anh Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Hatisa cho hay: “Nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch, thực phẩm chế biến sẵn của người dân, nhất là người dân đô thị tăng cao, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng thương hiệu chế biến sâu các loại rau, củ. Hiện tại, công ty đã có một số sản phẩm tiêu biểu như: bột cần tây, rau má, tía tô, diếp cá, cải bó xôi, lá ổi, củ dền, cà rốt, khoai lang tím, măng tây, củ sen, lá sen... Mỗi tháng, chúng tôi xuất khoảng 1.000 đơn hàng, tập trung mạnh vào kênh online, các cửa hàng thực phẩm sạch… Chúng tôi cũng chủ động xây dựng chuỗi liên kết bền vững với nông dân địa phương tại các vùng ven đô để có vùng nguyên liệu ổn định và chuẩn bị cho ra mắt sản phẩm bột ăn dặm cho trẻ”.
TP Hà Tĩnh còn có lợi thế về tự nhiên với 3 mặt đều có các con sông bao quanh, tạo nên hệ sinh thái động vật, thực vật phong phú, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình. Hiện nay, TP Hà Tĩnh sở hữu nhiều sản vật, ngành nghề truyền thống như: nghề làm giò chả, kẹo cu đơ, bánh đa nem, nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản…; có 1 làng nghề truyền thống bánh đa nem thôn Bình (xã Thạch Hưng); nhiều lễ hội văn hóa gắn với từng vùng đất như: đua thuyền, đánh cá, lễ hội Văn Miếu... Đây được xem là “kho vàng” để phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái gắn với TM-DV.
Hiện nay, mỗi tháng, Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Hatisa xuất ra thị trường khoảng 1.000 đơn hàng, tập trung mạnh vào kênh online, các cửa hàng thực phẩm sạch…
Ông Trần Quang Hưng - Trưởng phòng Kinh tế UBND thành phố cho biết: “Thời gian qua, thành phố đã tập trung phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, triển khai các chính sách hỗ trợ để định hướng phát triển TM-DV theo hướng chất lượng cao gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhờ đó, các loại hình TM-DV đều phát triển tích cực cả về chất lượng, số lượng; một số mô hình dịch vụ, du lịch mới bước đầu có hiệu quả như: mô hình nông nghiệp “3 trong 1” gắn với dịch vụ du lịch sinh thái ở Thạch Hạ; mô hình trồng sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái của HTX Hào Thành; thí điểm Khu phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du… Hiện nay, thành phố có 30 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao được thị trường đón nhận và kỳ vọng sẽ là “sứ giả” du lịch trải nghiệm, du lịch ẩm thực của địa phương như: trà sen, rượu sen, giò chả, bánh đa nem…”.
Thí điểm Khu phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du đã có dấu ấn nhưng vẫn còn "bỏ ngõ" tiềm năng.
Dù vậy, TM-DV ở TP Hà Tĩnh vẫn đối mặt với nhiều thử thách, phát triển chưa vững chắc; quy mô DN nhỏ; một số sản phẩm TM-DV khả năng cạnh tranh chưa cao; mô hình du lịch sinh thái, dịch vụ đã manh nha nhưng còn nhỏ lẻ, chưa thu hút được lượng khách hàng ổn định; mô hình thí điểm phố đi bộ, kinh tế đêm vẫn còn “bỏ ngỏ” tiềm năng...
Theo bà Phạm Thị Hiệp Định - Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart, các sản phẩm địa phương cần phải nâng cao các tiêu chí về sản xuất, trước hết đảm bảo các điều kiện về tiêu chuẩn, quy chuẩn chung, tuân thủ các quy định của Nhà nước về chất lượng sản phẩm; cùng với đó, đầu tư mẫu mã, nhận diện thương hiệu để tạo được tính cạnh tranh trên thị trường.
Nhận diện những hạn chế, TP Hà Tĩnh cần nghiên cứu, tiếp tục tập trung phát triển TM-DV, du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực; quan tâm ngành dịch vụ chất lượng cao, mô hình dịch vụ, du lịch mới; xây dựng các sản phẩm, nhất là sản phẩm ẩm thực mang tính đặc trưng, tạo liên kết chuỗi để thúc đẩy sự phát triển TM-DV, du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động.
Hôm nay : 1501
Tháng này : 43465
Tổng truy cập : 101621951