Đầu tư công sẽ là yếu tố khả thi để tập trung thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm vì có sức lan tỏa lớn, và Việt Nam có quyền chủ động điều tiết.
Đó là nhận định của PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia với Diễn đàn doanh nghiệp.
Theo ông Thiên, để nền kinh tế được vận hành hiệu quả trong thời điểm đại dịch COVID, điều quan trọng nhất, kênh đầu tư công phải tháo gỡ những ách tắc, thậm chí phía Chính phủ phải có thái độ, trao “kiếm lệnh” rõ ràng hơn để hành động.
PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.
- Thưa ông, sau khi xuất hiện các ca lây nhiễm COVID-19 lần hai trong cộng đồng từ Đà Nẵng và lan sang nhiều tỉnh thành phố khác. Ông có nhận định gì về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm?
Trước khi dịch COVID-19 bùng nổ lần hai tôi cũng đã nhận định tình hình khó khăn vẫn tiếp tục bởi nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào những điều kiện bên ngoài, trong khi kinh tế thế giới vẫn còn những diễn biến phức tạp.
Theo tôi, đây là thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế, doanh nghiệp còn phải chống chịu ít nhất đến đầu năm 2021. Chúng ta phải đối diện với những khó khăn này để có chuẩn bị về chính sách, ngân sách và thậm chí cả tinh thần để chủ động hơn.
- Đúng như ông nói, Chính phủ đã đang chủ động đưa ra nhiều chính sách để đảm bảo mục tiêu kém:đẩy lùi dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế?
Đúng vậy! Chính phủ đang làm rất nhiều tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như hỗ trợ xã hội để vừa chống COVID-19, vừa phục hồi kinh tế như qua kênh ngân hàng, kênh tài khóa, các giải pháp về an sinh xã hội… Chính phủ đang làm rất tích cực nhưng để “tiếp máu” được cho nền kinh tế - tôi vẫn đánh giá điều quan trọng nhất là phải tháo gỡ những ách tắc vốn đầu tư công.
Nhưng cho dù nền kinh tế Việt Nam đang có đà tăng trưởng tốt và tạo lập được thế ổn định khá vững mấy năm qua, giờ đây nó sẽ phải chịu tác động tiêu cực to lớn trước các "cú đòn" cộng hưởng mạnh mẽ đó. Ngân sách sẽ phải chi nhiều hơn trong khi thu yếu đi; sẽ có nhiều doanh nghiệp không chống chịu được sức tàn phá của cơn bão dịch cúm; thất nghiệp sẽ tăng khi các chuỗi cung ứng bị "đứt". Xu thế bất ổn gia tăng và nguy cơ tăng trưởng giảm tốc là điều phải tính đến.
Vấn đề hiện nay không phải là bác bỏ xu thế đó. Nhiệm vụ hàng đầu mà Chính phủ và cả nền kinh tế phải làm là cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch, bảo vệ doanh nghiệp, giữ ổn định nền kinh tế để giữ lòng tin của xã hội và của thế giới.
- Ông có thể lý giải vì sao giải ngân hết nguồn lực đầu tư công lại là then chốt?
Hiện đang có 633 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 28 tỷ USD) vốn đầu tư công hiện chưa giải ngân, nếu bơm được "dòng máu" này vào nền kinh tế sẽ hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, những giải pháp hỗ trợ về mặt tài chính, tiền tệ đều chứa đựng nhiều nguy cơ bên trong. Cơ sở cho sự hồi phục của doanh nghiệp là các chuỗi sản xuất thì chưa được kết nối trở lại.
Về tài khóa, cứu doanh nghiệp là đúng, nhưng lại có sự trả giá là ngân sách yếu đi. Vì vậy, phải có tầm nhìn dài hơn để phân bổ nguồn lực cứu trợ, bởi nếu dốc hết ra thì lúc cần lại không còn nữa.
Trong bối cảnh như vậy, việc giải ngân đầu tư công diễn ra như một giải pháp trung tâm, cơ bản. Nếu giải ngân được số vốn trên thì khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế được hồi sinh rất cao.
Bộ GTVT cho biết đang đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục để khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông được chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công vào cuối tháng 9.
- Nhưng câu hỏi làm thế nào để giải ngân được nguồn vốn đó không dễ trả lời, thưa ông?
Sức ảnh hưởng của COVID lên nền kinh tế không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp mà còn cần hành động của Chính phủ. Sức chống chịu của nền kinh tế trong giai đoạn này tùy thuộc rất lớn vào mức độ rủi ro của môi trường vĩ mô.
Chính phủ phải nỗ lực giảm thiểu rủi ro chính sách để giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn.
Hãy “trao kiếm lệnh” mạnh mẽ hơn nữa cho Chính phủ. Tất nhiên để làm được điều này thì những ràng buộc cũng phải rất chặt chẽ để việc “trao kiếm lệnh” này không dẫn đến việc lạm dụng quyền lực, không phải là tranh thủ lúc “tranh tối tranh sáng” để "kiếm chác". Nhưng phải tin cậy để có những hành động mạnh mẽ giúp cho nền kinh tế vượt qua được thời điểm khó khăn này.
- Theo ông ở thời điểm hiện tại, Việt Nam nên tập trung vào ngành kinh tế nào để hỗ trợ?
Tôi nghĩ rằng ngành nào cũng khó, ngành nào cũng cần hỗ trợ. Tuy vậy, trước mắt tôi nghĩ rằng có những ngành cực kỳ “gay go”, kết nối quốc tế mang tính chất khởi động lại thì cũng nên chú ý hơn.
Tôi nghĩ rằng để Chính phủ xác định được những tọa độ để “cứu đúng, cứu đủ” chính là các Hiệp hội doanh nghiệp, Hội nghề nghiệp để đánh giá đúng thị trường chuyên ngành như thế nào, tương lai và các vấn đề cần phải đặt ra, tháo gỡ ra sao. Nếu các Hiệp hội cùng làm được điều này với Chính phủ thì những hiệu quả sẽ tốt hơn, đấy cũng là cách mà hiệp hội doanh nghiệp chuyên ngành phát huy được năng lực của mình.
- Ở góc nhìn khác, rất nhiều hy vọng đang được dồn vào việc đón làn sóng chuyển dịch FDI vào Việt Nam hậu COVID-19, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội tốt cho Việt Nam, nhưng cũng nên chú ý rằng hiện nay chúng ta cũng đang có một số điểm cần lưu ý.
Có những điều kiện rất then chốt chúng ta phải làm để thu hút những đầu tư tốt: Thứ nhất là nhân lực, thứ hai là hạ tầng và nếu nói rộng hơn nữa thì đó còn là những điều kiện về thể chế để công khai, minh bạch, thông thoáng để những nhà đầu tư lớn vào làm chứ không phải chỉ là một số ưu đãi.
Do đó, Việt Nam cần có một bộ lọc về tiêu chuẩn, gắn liền với đó là một hệ thống thể chế có tính chất định hướng cho những nhà đầu tư lớn để doanh nghiệp phát huy năng lực. Đó mới là điều tốt nhất!
Xin cảm ơn ông!
Hôm nay : 1850
Tháng này : 10846
Tổng truy cập : 94229969