Những chậm trễ trong giao đất đang khiến các doanh nghiệp không hoàn toàn đồng tình với phương án phải nộp tiền thuê đất ngay khi chưa có đất.
Đề xuất doanh nghiệp được tính giảm tiền thuê đất nếu bị chậm giao đất
Những chậm trễ trong giao đất đang khiến các doanh nghiệp không hoàn toàn đồng tình với phương án phải nộp tiền thuê đất ngay khi chưa có đất.
Đề xuất phương án doanh nghiệp nộp tiền thuê đất tạm tính
Góp ý với Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất bổ sung phương án xử lý nếu cơ quan nhà nước chậm giao đất hơn so với thời điểm có quyết định cho thuê đất.
Có kiến nghị chế tài với cơ quan Nhà nước trong trường hợp không thực hiện giao đất đúng như cam kết. Ảnh minh họa |
“Nhiều doanh nghiệp gặp vấn đề này rất bức xúc bởi họ chịu thiệt hại rất lớn từ lỗi của phía Nhà nước mà lại vẫn phải nộp tiền cho việc này”, VCCI giải trình.
Trên thực tế phát sinh trường hợp doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất, nhưng cơ quan nhà nước chậm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến việc bàn giao đất trên thực địa chậm, thậm chí có trường hợp chậm nhiều năm.
Chiếu theo Dự thảo đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến doanh nghiệp, tiền thuê đất phát sinh từ thời điểm có quyết định cho thuê đất, thì trong những trường hợp đó, doanh nghiệp vẫn phải chịu nghĩa vụ tiền thuê đất, nhưng không có đất để sử dụng.
Cũng phải nói rõ, nội dung này thống nhất với Luật Đất đai, khi quy định doanh nghiệp phải nộp tiền trước thì mới được thuê đất.
Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích, VCCI đề nghị phương án doanh nghiệp nộp tiền thuê đất tạm tính trước khi được thuê đất.
“Nếu việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất trên thực tế diễn ra đúng dự kiến thì không cần điều chỉnh tiền thuê đất. Trong trường hợp việc bàn giao đất trên thực địa diễn ra chậm hơn dự kiến thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước thực hiện việc tính toán lại tiền thuê đất, nhằm giảm phần nghĩa vụ tương ứng với khoảng thời gian chậm bàn giao”, VCCI giải trình rõ phương án đề xuất với Ban soạn thảo.
Với trường hợp chậm giao đất, phần giảm nghĩa vụ của doanh nghiệp sẽ được quyết toán, khấu trừ vào tiền thuê đất nộp những lần sau đó hoặc các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn về nội dung này, luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIFPA) thậm chí kiến nghị thêm chế tài với cơ quan Nhà nước trong trường hợp không thực hiện giao đất đúng như cam kết.
“Cần có cơ chế để hạn chế tối thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư”, ông Chung kiến nghị.
Mở rộng các trường hợp miễn, giảm tiền thuê đất thay vì thu hẹp
Góp ý cho Dự thảo, VCCI cũng gửi gắm mong muốn của các doanh nghiệp về việc mở rộng các trường hợp được miễn tiền thuê đất, thay vì chỉ giảm tiền thuê.
Hiện tại, quy định về giảm tiền thuê đất của Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất kém hấp dẫn hơn so với quy định hiện hành, quy định tại Nghị định 46/2014/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 135/2016/NĐ-CP).
Dự thảo quy định, các dự án đầu tư sẽ được giảm 80% tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng không quá 3 năm. Sau thời gian này, các dự án sẽ được giảm tiền thuê đất ở các mức khác nhau và thời gian khác nhau tuỳ thuộc vào việc dự án đó thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện khó khăn…
Có 11 trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất được quy định tại Điều 157 Luật Đất đai, trong đó có: + Sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan, trừ trường hợp sử dụng đất xây dựng nhà ở thương mại, sử dụng đất thương mại, dịch vụ; + Sử dụng đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; đất xây dựng cơ sở, công trình cung cấp dịch vụ hàng không; đất để làm bãi đỗ xe, xưởng bảo dưỡng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng; đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm; + Sử dụng đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng; đất xây dựng công trình công nghiệp đường sắt; đất xây dựng công trình phụ trợ khác trực tiếp phục vụ công tác chạy tàu, đón tiễn hành khách, xếp dỡ hàng hóa của đường sắt; + Sử dụng đất để thực hiện Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư...
Theo quy định hiện hành, nhiều trường hợp nêu trên sẽ được miễn, chứ không chỉ giảm tiền thuê đất trong một số năm nhất định.
“Việc giảm biện pháp ưu đãi đầu tư này cần hết sức cân nhắc tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và lĩnh vực cụ thể. Thời điểm xây dựng cơ bản thường là giai đoạn khó khăn nhất về dòng tiền đối với các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn. Nếu chính sách miễn tiền thuê đất được tiếp tục áp dụng sẽ giúp tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh”, VCCI gửi đề xuất.
Cùng với đó, VCCI cho rằng, nếu thay biện pháp miễn bằng việc giảm tiền thuê đất sẽ gây phát sinh thủ tục hành chính và gây rủi ro sai sót cho cả doanh nghiệp và cán bộ thực thi. Biện pháp giảm tiền thuê đất sẽ dẫn đến việc phải xác định tiền thuê đất rồi mới tính toán giảm. Còn nếu miễn tiền thuê đất thì không cần thực hiện các bước này.
Nếu trong trường hợp cơ quan soạn thảo thấy rằng mức miễn tiền thuê đất là quá cao, cần giảm đi để phù hợp với tình hình mới thì có thể cân nhắc phương án giảm số năm được miễn tiền thuê đất, thay vì giảm tiền thuê cho mỗi năm.
"Sử dụng các công cụ thuế và tiền thuê đất để thu hút đầu tư vào những địa bàn khó khăn hoặc những lĩnh vực đặc biệt ưu đãi vẫn là biện pháp hiệu quả. Việc giảm biện pháp ưu đãi đầu tư này cần hết sức cân nhắc tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và lĩnh vực cụ thể", VCCI kiến nghị.
Cũng phải nói thêm, TS. Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên Đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã lưu ý doanh nghiệp quan tâm đến điều khoản này tại Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Tại Hội thảo: “Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan - Tác động của Luật Đất đai 2024 đến môi trường đầu tư và doanh nghiệp” do Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội - HBA vừa phối hợp tổ chức cuối tuần trước, ông Chính giải thích, khi Dự thảo quy định là giảm tiền thuê, thay vì miễn như hiện hành, thì các dự án này sẽ không thuộc trường hợp được giao đất theo chỉ định nữa.
Hôm nay : 1943
Tháng này : 19594
Tổng truy cập : 63654660