Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển, phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin, chuyển tải cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa là công cụ hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp, doanh nhân cũng là cảm hứng, là nguồn đề tài vô cùng phong phú cho báo chí. Đó là mối quan hệ tương hỗ hai chiều ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
Nhằm động viên, khích lệ các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp, thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong hội nhập khu vực và quốc tế; đồng thời cũng tôn vinh các nhà báo luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2019: Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công trong bối cảnh mới và Phát động chương trình bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân - doanh nghiệp và môi trường kinh doanh lần thứ VII.
Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2019 thu hút sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các cơ quan báo chí và doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội trên cả nước.
Tham dự Diễn đàn có: Ông Đoàn Minh Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Ông Lê Mạnh Hùng – Phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương; TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Ông Đặng Khắc Lợi – Phó Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền Thông; LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Về phía các cơ quan báo chí có: Thiếu tướng Phạm Văn Miên – Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân; Ông Lê Trọng Minh – Tổng Biên tập Báo Đầu tư; Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng; Bà Vũ Thị Ánh Hồng – Tổng Biên tập Báo Hải quan; Ông Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo; Ông Nguyễn Huy Lộc – Tổng Biên tập Báo Sinh viên Việt Nam; Ông Trần Đăng Vinh – Quyền Vụ trưởng phụ trách Báo Thanh tra; Bà Tạ Thị Phương Thảo – Phó Tổng Biên tập Báo Thanh niên; Ông Đỗ Hồng Công - Tổng Biên tập Báo Kiểm toán; Bà Đinh Thị Mỹ Vân - Tổng Biên tập Tạp chí Thương trường; Ông Chu Quốc Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô; Ông Vũ Mạnh Hà - Phó Tổng Biên tập Báo Bảo vệ Pháp luật.
Về phía các Hiệp hội, doanh nghiệp có: Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình; ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang; Ông Lê Đắc Thuật – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh; Ông Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoá chất Nông nghiệp TP Hà Nội; Ông Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam; Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV; Ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội; Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch CLB CEO Hà Nội; Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Vân – Đại diện Văn phòng Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; Bà Nguyễn Hương Giang – Chủ tịch Tổ chức kết nối Nữ Doanh nhân Sen Vàng Hà Nội; Bà Lê Thanh Hằng – Đại diện Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội; Bà Nguyễn Phương Thảo – Đại diện Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam; Ông Nguyễn Anh Tú – Đại diện Hiệp hội Môi giới Bất động sản; Ông Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico; Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Le.
ĐỒNG HÀNH VÀ CHIA SẺ
Phát biểu tại Diễn đàn, Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho rằng, Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2019 là cơ hội để báo chí và doanh nghiệp cùng trao đổi, bàn bạc giải quyết các vấn đề còn khúc mắc, cùng phát triển vì lợi ích đất nước và nhân dân.
Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam
“Một bầu không khí khởi nghiệp đang nở rộ khắp đất nước, ở đó có một thế hệ doanh nhân đang hứng khởi bước vào công cuộc mới”, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, VCCI là trung tâm thu hút nhiều doanh nghiệp quan trọng của đất nước, từ đây hình thành những ý tưởng kinh doanh mới, nhiều chương trình xúc tiến thương mại mới...
Trong khi đó, báo chí và doanh nghiệp đã có sự đồng hành. Theo đó, báo chí đối với doanh nghiệp có vai trò phản ảnh môi trường kinh doanh, những thành tựu kết quả nổi bật, những mô hình tốt, những kinh nghiệm hay. Báo chí thông tin tình hình kinh tế trong và ngoài nước, cùng với đó, báo chí tham gia vào xây dựng, góp ý và điều chỉnh chính sách.
Ông Hồ Quang Lợi khẳng định: “Báo chí góp phần quan trọng vào tạo dựng mội trường kinh doanh lành mạnh, trở thành cầu nối giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cộng đồng dân cư. Đa số thấy rằng không có một doanh nghiệp nào thành công mà ngoài yếu tố nội lực lại không quan tâm đúng mức tới quan hệ báo chí”.
Cũng theo ông Hồ Quang Lợi, công cuộc xây dựng đất nước của doanh nghiệp doanh nhân là đề tài hấp dẫn đối với báo chí. Hoạt động của doanh nghiệp doanh nhân là nguồn lực về tư liệu sống, là nguồn lực tài chính để báo chí hoạt động tốt.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, mối quan hệ của báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ hợp tác lành mạnh, khách quan và ngày càng chia sẻ. Việc chia sẻ cơ hội này là cơ hội của doanh nghiệp cũng chính là của báo chí và báo chí phát triển cũng đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.
“Chúng ta không chỉ khai thác đề tài thuận lợi và cơ hội của doanh nghiệp, mà ngay cả khi doanh nghiệp gặp khó khăn, cạnh tranh gay gắt, sự đồng hành của báo chí sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức”, ông Lợi nhận định.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho rằng, ngoài những tích cực như nói trên thì thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn thảo. “Bản thân tôi khi tham gia giao ban báo chí đã nhận được nhiều phản hồi từ doanh nghiệp doanh nhân. Đó là còn có những thông tin chưa đúng, chưa tốt của một bộ phận người mang danh là làm báo. Những thông tin thiếu xác đáng sẽ gây hậu quả khôn lường cho doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định mối quan hệ giữa Hội Nhà báo Việt Nam với doanh nghiệp doanh nhân thông qua VCCI ngày càng chặt chẽ và gắn bó.
Ông Lợi dẫn ví dụ: Tôi và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã có cơ hội tham gia nhiều cuộc gặp gỡ cùng lãnh đạo Đảng Nhà nước. 14 năm trước, với sự dẫn đầu đoàn của Thủ tướng Phan Văn Khải hơn 100 doanh nghiệp lớn của đất nước đã tham gia chuyến thăm Hoa Kỳ lịch sử, nhiều thoả thuận hợp tác đã được ký kết lên 20 tỷ USD. Theo đó, 25 nhà báo tham gia chuyến thăm cùng đã chia sẻ thông tin với doanh nghiệp và thông tin tới cộng đồng. Từ đó đến nay đã có nhiều cuộc “xuất quân” nữa, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh và trở thành động lực to lớn.
“Trong số 25.000 hội viên của Hội Nhà báo thì số lượng nhà báo trong lĩnh vực kinh tế là rất lớn. Đây là lực lượng khích lệ tinh thần cống hiến và đổi mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp của giới doanh nghiệp Việt Nam để cùng chia sẻ hợp tác, nắm bắt cơ hội phát triển thành công”, ông Lợi nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, đối với doanh nghiệp vì cả 365 ngày trong năm đều là ngày báo chí.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Theo TS Vũ Tiến Lộc, báo chí là “người tình” của doanh nghiệp. Buổi sáng doanh nghiệp mở báo xem tin tức thời sự trong nước và quốc tế, buổi tối doanh nghiệp lại mở báo ra để xem lại các tin tức trong ngày để hiểu hơn về tình hình xã hội.
“Báo chí đã đi sâu vào đời sống doanh nghiệp, doanh nhân, không ít người vợ chồng đã giận hờn nhau vì dành thời gian cho báo chí quá nhiều. Dẫu có lúc cơm không lành canh không ngọt nhưng với chúng tôi, báo chí vẫn là ân nhân, chúng tôi cảm ơn nhà báo thấu hiểu sẻ chia đồng hành cùng doanh nghiệp và doanh nhân” – TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, báo chí với doanh nghiệp còn là quan hệ cộng sinh, báo chí tiên phong trong lĩnh vực văn hóa, doanh nghiệp tiên phong trên mặt trận kinh tế. Chính vì vậy, việc báo chí tập trung công sức, bài vở và tâm huyết vào doanh nghiệp là điều dễ hiểu và ngược lại.
Không chỉ vậy, báo chí còn là người chia sẻ buồn vui cùng doanh nghiệp, là cánh chim báo tin khi doanh nghiệp gặp niềm vui, và là nơi chia sẻ cùng doanh nghiệp khi doanh nghiệp gặp nỗi buồn. Khi doanh nghiệp gặp oan sai, doanh nghiệp sẽ tìm đến báo chí để “đánh trống kêu oan”.
“Tôi cảm ơn nhiều cơ quan báo chí đã xả thân bảo vệ doanh nghiệp, có những nhà báo đã được coi là hiệp sĩ. Không chỉ bảo vệ doanh nghiệp, báo chí còn luôn hiến kế cùng doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách thể chế” – Người đứng đầu VCCI nhấn mạnh thêm.
Tuy vậy, TS Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, báo chí cũng gây không ít oan sai và đổ vỡ của cho doanh nghiệp khi hình ảnh của doanh nghiệp bị phản ánh sai lệch.
Thật vậy, trong suốt chiều dài phát triển của đất nước, ít tổ chức nào gắn với chữ “nghiệp” như doanh nghiệp. Cái “nghiệp” quan trọng của doanh nghiệp là kinh doanh và góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Sự chia sẻ với doanh nhân trong việc đổi mới sáng tạo là vô cùng cần thiết.
“Tôi còn nhớ một câu nói rất hay: “Muốn biết một cuộc chiến thành hay bại, hãy nhìn vào thái độ của người mẹ tiễn con đi”. Trong thời bình, câu nói ấy có thể được hiểu là “Muốn biết nền kinh tế thành hay bại thì hãy nhìn vào thái độ của xã hội với doanh nghiệp, doanh nhân" - TS Vũ Tiến Lộc mong báo chí luôn cảm thông, chia sẻ với doanh nhân nhất là thời buổi của hội nhập, thời buổi của cơ hội, của khó khăn.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế cao nhưng năng lực hội nhập lại rất thấp. Năng lực hội nhập cũng chính là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp thứ 77/140 nền kinh tế, tức là ở mức trung bình. Trong đó, năng lực cạnh tranh thể chế còn thấp hơn nữa (94/140) - dưới trung bình, động lực kinh doanh còn thấp hơn nữa (101/140).
Với những số liệu trên, có thể thấy, có khoảng cách của độ mở nền kinh tế và năng lực cạnh tranh. Khép lại khoảng cách này là hành trình hội nhập, là hành trình nâng cao năng lực cạnh tranh, và đó chính là hai “chìa khoá” quyết định thành công trong hội nhập.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện tại Việt Nam có 700.000 doanh nghiệp. Nhưng, thật ra, theo TS Vũ Tiến Lộc, chúng ta có hàng triệu doanh nghiệp, chỉ có điều gọi tên nó là hộ kinh doanh. “Luật Doanh nghiệp phiên bản 1.0 là Luật Doanh nghiệp của 700.000 doanh nghiệp. Tôi mong muốn rằng Luật Doanh nghiệp phiên bản 4.0 sẽ là của 5 triệu hộ kinh doanh. Bây giờ, phải minh bạch hóa hệ thống này, chúng ta đang triển khai riêng một chương về hộ kinh doanh nhưng không đẻ ra thêm thủ tục pháp lý mà là hỗ trợ họ, giúp đỡ họ” – TS Lộc thông tin thêm.
Theo đó, ông Lộc cho rằng, nếu xét về số lượng hộ doanh nghiệp thì Việt Nam không thua thế giới, nỗ lực chính sách phải là nâng cao chất lượng tăng trưởng chất lượng doanh nghiệp để nâng cao chất lượng trên thế giới.
“Chúng ta hi vọng chủ nhân của hội nhập, chủ nhân của sân chơi toàn cầu hóa là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong định hướng phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp, nâng cấp doanh nghiệp không chỉ quản trị mà còn đảm bảo định hướng phát triển bền vững. Đây là hành trình của nền kinh tế và doanh nghiệp nên hành trình của Việt Nam trong thời gian tới là nâng cấp doanh nghiệp” – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Ở góc độ thể chế, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện tại, các xung đột trong các văn bản pháp luật hiện nay vẫn khá lớn, khảo sát PCI 2018 cho thấy ngôi sao cải cách đang chậm lại, chúng ta đang đang đụng trần thể chế, cần gỡ bỏ để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
“Hôm nay, chúng ta phát động Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân - doanh nghiệp và môi trường kinh doanh lần thứ VII. Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ trì 2 cuốn sách lịch sử: 1001 về câu chuyện về cải cách ở Việt Nam và 1001 câu chuyện về khởi nghiệp ở Việt Nam. Những cuốn sách này sẽ ghi lại giai đoạn thú vị của đất nước để nghìn năm sau chúng ta vẫn có thể nhớ lại hôm nay, một thời kỳ đầy vinh quang nhưng cũng đầy gian nan và khó khăn của doanh nghiệp…" - TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ và hy vọng, báo chí và doanh nghiệp sẽ cùng nhau hiến kế để có thể phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, để Việt Nam có một cộng đồng phát triển mạnh.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế (VIAC) cho rằng, điểm mới và cần quan tâm nhất trong mối quan hệ của doanh nghiệp và báo chí là phải đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật. Đây là một thách thức mới đối với báo chí, dù không mới về nội hàm những mới về tốc độ, bởi tốc độ đang diễn ra ở mức “chóng mặt”.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế (VIAC)
Luật sư Trần Hữu Huỳnh lấy dẫn chứng, để giải mã được bộ gen người phải mất tới 17 năm và 1,3 tỷ đồng, bây giờ chỉ mất chi phí khoảng hơn 20 triệu đồng và mất 3 giờ đồng hồ. Hay như câu chuyện về bà Tân Vlog, đã sản xuất ra được các sản phẩm trên youtube và thu hút được hàng triệu lượt xem trên mỗi sản phẩm.
Đây thực sự là thách thức đối với báo chí với các sản phẩm từ công nghệ thông tin. Trong thách thức đó, doanh nghiệp hướng về báo chí hay là sử dụng sức mạnh của mạng xã hội? Đây là một câu hỏi và các nhà báo phải tìm được câu trả lời, giải pháp cho doanh nghiệp.
Thách thức thứ hai đó là sự thay đổi của chính sách và bối cảnh hội nhập. Liên quan đến nội dung này đã có những kết quả khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp “thốt lên” với hình ảnh ví von rằng nếu nền kinh tế “mở toang” cửa như vậy, thì gió vào cuồn cuộn doanh nghiệp không chỉ bị cảm cúm đâu! Nói như vậy để thấy, tốc độ hội nhập quá nhanh, quá rộng về phạm vi khiến cho khả năng và năng lực của doanh nghiệp không thể chống chọi được. Đây là những vấn đề mà báo chí cần phản ánh cụ thể.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh cũng chia sẻ, hiện nay, đang có những nghiên cứu về điều chỉnh chính sách. Theo đó, kinh tế tư nhân trước đây không có trong hiến pháp thì bây giờ đã có, đồng thời có những nhận định về vai trò, thứ bậc của kinh tế tư nhân. Hiến pháp đã nói về vấn đề hợp tác, cạnh tranh của kinh tế tư nhân, nhưng còn vấn đề thứ bậc lại chưa. Ngoài ra, qua nhiều khảo sát cộng đồng doanh nghiệp cho biết, trước các sự kiện lớn của quốc gia thì các quyết định thường ban hành chậm và rất rụt rè.
Trong những bối cảnh mới như vậy, ông Huỳnh đặt vấn đề: báo chí nên làm gì để giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển? Ông cũng đặt ra câu hỏi: Làm sao để báo chí trở thành diễn đàn của người dân và doanh nghiệp chứ không phải chỉ là sự phản ánh an toàn?
“Tôi cho rằng đây cũng là một trong những thách thức rất là lớn đối với việc phát triển báo chí hiện nay” – ông Huỳnh nói.
Cuối cùng là thách thức về mạng xã hội, làm sao một tiếng thương đau, gian dối nào đó của doanh nghiệp mà báo chí sẽ là người “hiệp sĩ” xông vào cứu doanh nghiệp?
Trước những thách thức như vừa nêu, Luật sư Trần Hữu Huỳnh đề xuất:
Một là, báo chí phải sáng hơn. Sáng hơn ở chỗ phải nhanh nhạy nhìn ra vấn đề hơn.
Hai là, báo chí phải sạch hơn. Bởi xã hội phân hóa rất nhiều, trong cộng đồng doanh nghiệp cũng phân hóa nhiều nên tính chất sẽ phức tạp hơn.
Sau nhiều năm làm xây dựng chính sách, lần đầu tiên chúng tôi thấy Thủ tướng giao Bộ Tư pháp nghiên cứu về việc cài cắm lợi ích trong quá trình xây dựng pháp luật, nhận diện và đánh giá. Đây là câu chuyện không đơn giản. Điều này cho thấy sự phức tạp ngay ở trong bộ máy của chúng ta. Để gọi mặt, chỉ ra, đánh giá thì đây không phải là vấn đề của ý chí, trình độ, đấy là vấn đề của nhận thức, của thông tin.
Ba là, báo chí phải sắc hơn. Báo chí phải có nét sắc sảo riêng để hàng triệu doanh nghiệp khi xảy ra vấn đề gì thì sẽ hướng tìm đến tờ báo để nhận được thông tin một cách chính xác nhất, kịp thời nhất.
Bốn là, báo chí phải đáng tin cậy hơn. Trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin, bão thông tin thì sẽ có sàng lọc trong báo chí. Đây chính là cuộc đua cạnh tranh để dành độc giả ngay với mạng xã hội. Nếu báo chí không tin cậy sẽ không dành được thời gian của độc giả.
Liên quan đến quy trình chấm bài viết của cuộc thi viết về doanh nhân – doanh nghiệp và môi trường kinh doanh lần thứ VII, Luật sư Trần Hữu Huỳnh đề xuất, làm thế nào gia tăng được giá trị của các tác phẩm sau 6 năm trước đây. Ban tổ chức nên có sự nhìn lại để nghiên cứu, viết về doanh nhân thế nào là hấp dẫn và yêu các bài viết như vậy.
"Nếu có những bài tốt nên gửi tới các trường dạy về báo chí có thể tham khảo thảo luận, các nhà phê bình, lý luận góp ý thêm" - LS Trần Hữu Huỳnh đề xuất.
Chia sẻ từ câu chuyện thực tế của doanh nghiệp, Thiếu tướng Phạm Văn Miên – Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân cho biết: “Có doanh nghiệp chia sẻ với tôi, doanh nghiệp có doanh thu nghìn tỷ mỗi năm, thì có ngày doanh nghiệp phải tiếp đến 20 – 30 nhà báo, nên vậy có khi quy hoạch 50 cơ quan báo chí là đủ".
Thiếu tướng Phạm Văn Miên – Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân
Ông Miên cũng dẫn thêm ví dụ: Cũng một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói luôn sẵn sàng chơi với báo chí nhưng không muốn xuất hiện trên báo chí kể cả tin tốt hay xấu. Doanh nghiệp này mỗi năm bỏ ra cả 1 tỷ cho một tờ báo để ủng hộ cho người nghèo, nhưng không muốn đưa tên lên mặt báo.
"Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có nhận thức chưa đúng về mối quan hệ của báo chí và doanh nghiệp”, ông Miên khẳng định.
Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân cũng cho biết, mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp đã có từ lâu, nhưng ở góc độ Tổng Biên tập của một tờ báo, ông nhận thấy vẫn còn những điều cần chia sẻ. Cụ thể, để giải quyết những tồn tại trong mối quan hệ này cần từ hai phía.
“Trước hết người đứng đầu doanh nghiệp phải trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và cung cấp thông tin cho báo chí. Việc từ chối cũng phải có cách, không thể từ chối báo chí mãi được. Thực tế có nhiều báo đã đưa cả phản hồi từ chối này lên mặt báo. Do đó, bên cạnh kỹ năng của người đứng đầu, doanh nghiệp cần có bộ phận truyền thông chuyên nghiệp”, ông Miên chia sẻ.
Về phía báo chí, thời gian qua đã có những thông tin không đúng hoặc không cần thiết xuất hiện trên mặt báo. Quy hoạch báo chí vừa qua cũng xuất phát từ những vi phạm của báo chí. Việc sắp xếp quy hoạch cũng là một biện pháp để cải thiện mối quan hệ của báo chí và doanh nghiệp. Quan trọng nhất vẫn là lãnh đạo của từng cơ quan báo chí.
“Có những lãnh đạo chủ trương “bật đèn xanh” cho phóng viên đi làm kinh tế bằng cách nắm những yếu điểm của doanh nghiệp - điều này là phi đạo đức. Phải quản lý được các phóng viên bằng các quy chế, quy định, đặc biệt với phóng viên thường trú, các địa phương cho biết rất “sợ” bộ phận này”, Tổng biên tập báo Công an Nhân dân cho biết.
Dưới góc độ một nhà quản lý doanh nghiệp và cũng là một luật sư, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, có 7 góc khuất hội nhập hiện nay.
Luật sư Trương Thanh Đức
Một là, cạnh tranh mất còn, câu chuyện đào thải, câu chuyện loại trừ, điển hình nhất là câu chuyện của Big C vừa qua. “Về mặt luật pháp tôi thấy doanh nghiệp nước ngoài ứng xử như vậy hoàn toàn là đúng, còn người ta ứng xử có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam hay không thì là câu chuyện khác” - ông Đức nhìn nhận.
Thứ hai, doanh nghiệp đối mặt với hàng rào kỹ thuật thách thức để tận dụng được thuế xuất khẩu, ví dụ như vụ nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính nhất thế giới nay đã có vấn đề.
Thứ ba, yêu cầu về nhãn hiệu, bản quyền lao động, công đoàn, môi trường… những yêu cầu khi tham gia các FTA thế hệ mới, Việt Nam đang có khoảng cách quá xa, mơ hồ chúng ta phải cố gắng hơn nữa.
Thứ tư, đòi hỏi về nguồn gốc xuất xứ để tận dụng được thuế xuất.
Thứ năm, phải tuân thủ nhiều luật chơi khác biệt. Bao nhiêu năm nay Việt Nam vẫn cứ loay hoay luật chơi trong nước, đã rất khó và vô cùng nan giải, doanh nghiệp nào cũng thấy vướng; thì khi hội nhập, số Luật còn tăng lên rất nhiều, yêu cầu cũng sẽ khắt khe hơn.
Thứ sáu, xử lý khiếu kiện, tranh chấp. Dù giải quyết tranh chấp trong hay ngoài nước thì cũng là hạn chế cho các doanh nghiệp Việt.
Cuối cùng là ứng phó với khủng hoảng truyền thông, báo chí, mạng xã hội.
Ngoài ra, để minh họa cho chủ đề vướng mắc pháp luật, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, quản trị doanh nghiệp có thể tốt, nhưng pháp luật kinh doanh đang có nhiều vấn đề, mặc dù điều này chúng ta có thể làm tốt ngay từ đầu.
Dẫn chứng, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, về vụ Asanzo. Khái niệm gốc của xuất xứ hàng hóa không phải là quy định của Luật Ngoại thương mà nó là Luật Nội thương điều 3.14 năm 2015 định nghĩa, đối với trường hợp nhập nguyên liệu, nhập bộ phận, nhập chi tiết thì xuất xứ là nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng. “Luật nghe thì rất hay, chuẩn mực, hùng hồn nhưng đi sâu vào là không ổn”- ông Đức phân tích.
Đơn cử, chỉ một quy định: “Chế biến công đoạn cuối cùng” cũng đã tạo rào cản, bế tắc không vượt qua được. Hàng xuất thì chỉ bị vướng ít, thậm chí là không vướng. Tuy nhiên, với hàng nội địa, Luật pháp quy định có tính chất đánh đố doanh nghiệp" - theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu nói nặng là kiểu gì cũng chết, nói nhẹ thì kiểu gì cũng vướng, nói vừa vừa thì kiểu gì cũng sai.
“Lúc đầu bản thân tôi cũng phản đối rất nhiều liên quan đến Asanzo, tuy nhiên tôi càng đọc kỹ, suy ngẫm, đã xem lại thì cái sai chính lại không nằm ở doanh nghiệp” – vị Luật sư chia sẻ.
Cũng theo Luật sư Đức, Điều 15 Nghị định 43 năm 2017 quy định hàng hóa lưu thông trong nước buộc phải có nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa buộc phải có xuất xứ hàng hóa. Theo đó, xuất xứ hàng hóa nghị định này quy định cũng rất là rõ “sản xuất tại, chế tạo tại, nước sản xuất, xuất xứ bởi… kèm tên nước, lãnh thổ… đồng nghĩa với Made in... ”... Ngoài ra, Nghị định 43 cũng quy định doanh nghiệp tự xác định và tự ghi xuất xứ hàng hóa với 3 điều kiện: Một là trung thực; hai là chính xác; ba là tuân thủ các quy định về xuất xứ của Luật pháp, hiệp định…
Quy định tưởng như đơn giản như vậy, nhưng dẫn tới việc áp dụng vào câu chuyện của Asanzo đó là không thể ghi xuất xứ Trung Quốc, không thể ghi xuất xứ Việt Nam được, cũng không thể không ghi gì. Trong 3 phương án đó đòi hỏi doanh nghiệp phải chọn một.
“Tôi cho rằng, vướng mắc về chính sách pháp luật là vướng mắc cực kỳ lớn và không nên có” – ông Đức nhấn mạnh.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, ông là người dễ tiếp xúc nhiều với báo chí. Là người cởi mở với báo chí, ông Hiếu cho rằng cần sự hợp tác từ 2 phía.
Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
“Nếu chúng ta không chủ động tiếp cận thông tin với báo chí một cách cởi mở thì báo chí không thể hiểu sâu sắc về chúng ta”, ông Hiếu nhìn nhận.
Ông Hiếu đặt câu hỏi, nhiều người nói về vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhưng tôi xin được hỏi doanh nghiệp ngồi đây, làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh?
Theo ông, với doanh nghiệp Việt, năng lực cạnh tranh nằm ở vấn đề quản trị, đây là vấn đề nằm trong chỉ đỏ của Việt Nam. Doanh nghiệp có tiềm lực nhưng không quản trị tốt thì cũng không phát triển được.
Về vấn đề quản trị doanh nghiệp, thế giới chia thành 4 mức độ: Dưới chuẩn, thông lệ phổ biến, tốt và xuất xắc. Việt Nam đang ở mức độ nào?
Theo ông, điểm quản trị thực tế của doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, Việt Nam đạt 41/120, ở mức dưới chuẩn. Nước ở gần chúng ta chính là Indonesia thì đạt 60/120 - ở mức chấp nhận được.
Vấn đề quản trị sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp, doanh nghiệp quản trị tốt có nhiều lợi ích nhưng nếu vấn đề quản trị không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến hình ảnh và doanh thu.
Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nhìn từ năng lực quản trị của doanh nghiệp, theo ông Hiếu đang rất có vấn đề. Chúng ta hay tư duy vấn đề theo hướng phải hoàn thiện khung pháp luật.
“Tôi xin lấy ví dụ, khung pháp luật về quản trị của doanh nghiệp của ta xếp thứ 87, cao hơn nhiều so với Indonesia, Philippines… Nhưng so sánh pháp luật và thực tế thì Philippines gần như khung pháp luật của đất nước này xếp hạng thấp nhưng pháp luật của họ lại tốt hơn rất nhiều. Như vậy, khung pháp luật là một chuyện còn thực tế như thế nào lại là chuyện khác” – ông Hiếu phân tích.
Theo ông Hiếu, Luật Doanh nghiệp ra đời đã nâng 80 thứ hạng về quản trị nhưng mức độ quản trị thực tế của Việt Nam từ năm 2003 đến 2008 thì tăng từ 37 nên 42 điểm.
Tôi cũng mong muốn khi kết thúc một vấn đề, chúng ta không kết luận là thay đổi pháp luật mà nên kết luận là chúng ta nên tuân thủ pháp luật tốt hơn” – ông Hiếu nhấn mạnh thêm.
NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA BÁO CHÍ
Đóng góp ý kiến tại Diễn đàn, ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Le Bros cho rằng, chúng ta đang đứng trước thách thức, báo chí phải chất lượng nhưng báo chí cũng phải “sống”, phải tạo ra được nguồn thu. “Có nhiều mâu thuẫn xảy ra để đảm bảo báo chí có được nguồn thu, chúng ta không thể để phóng viên đưa tin thiếu trung thực làm tổn hại đến doanh nghiệp nhưng cũng không thể có sự thoả hiệp nếu doanh nghiệp có sai phạm. Vậy làm sao để báo chí có nguồn thu?”, ông Vinh đặt vấn đề.
Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Le Bros
Tổng doanh thu của báo chí theo Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo là 15.000 tỷ năm 2018, tuy nhiên, doanh thu báo chí đang sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, Google và Facebook đang tăng doanh thu nhanh chóng.
“Doanh thu từ quảng cáo sụt giảm quan trọng, khoảng 60-70% chi phí quảng cáo của doanh nghiệp trôi vào túi Google và Facebook. Trong khi đó doanh nghiệp ngày càng lớn lên, chi phí cho truyền thông tăng lên thì tỉ lệ thu được của báo chí lại giảm mạnh, chỉ còn 30%, năm nay dự báo chỉ còn 29%. Doanh nghiệp hiện chưa hiểu hết được lợi ích của báo chí truyền thông”, ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.
Theo đó, Chủ tịch Tập đoàn Le Bros cho biết, các xu hướng mới của báo chí gồm báo chí chậm, báo chí đầu tư sâu với xu hướng sáng tạo trong báo chí như phương thức đưa tin phi truyền thống và công cụ video, longform… đang làm tiết kiệm chi phí truyền thông cho doanh nghiệp. Cùng với đó, khối lượng thông tin khổng lồ từ báo chí là data dữ liệu cho doanh nghiệp. Loại hình longform của báo chí tạo ra sản phẩm truyền thông hoàn thiện hơn cho doanh nghiệp cũng như của một vấn đề của xã hội - đây là điều mà mạng xã hội không làm được.
“Theo New York Times, doanh thu họ có được từ người đọc là 1 tỷ USD. Trong khi đó, tại Việt Nam cơ quan báo chí chỉ có doanh thu từ quảng cáo mà không có doanh thu từ bạn đọc. Làm thế nào để doanh nghiệp ứng dụng được những thay đổi của báo chí?”, ông Vinh đặt vấn đề.
Chủ tịch Le Bros khẳng định, truyền thông 4.0, thương hiệu đang làm theo cách tìm ra nền tảng truyền thông hữu ích để nói chuyện với khách hàng, bạn đọc của họ, tạo tính tương tác cao, không còn đơn thuần là quảng cáo nữa. Do đo, báo chí phải tạo ra được cái mà doanh nghiệp cần. Theo đó, doanh nghiệp muốn truyền thông theo kiểu Build Human Brands (truyền thông con người). Đây là phương thức truyền thông giống báo chí nhưng tạo cảm xúc cho thương hiệu doanh nghiệp. Báo chí phải tạo ra được cách kể chuyện tương tác như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. doanh nghiệp cần báo chí thấu hiểu, truyền tải những câu chuyện của họ qua cách kể chuyện với hình ảnh đẹp.
“TTXVN chuẩn bị ra cuốn sách Những sáng tạo trong báo chí toàn cầu” - ông Vinh cho biết. Theo đó, có 4 phương thức để báo chí vẫn hoạt động đúng tôn chỉ mà tạo được quan hệ lành mạnh. Thứ nhất, content agency tức trở thành cơ quan xây dựng dịch vụ nội dung. Thứ hai, branded journalism, báo chí thương hiệu. Thứ ba, co branding event, tổ chức sự kiện hợp tác với doanh nghiệp. Thứ tư, audience understanding, báo chí giúp doanh nghiệp hiểu đối tượng, khách hàng của mình trên dữ liệu data của báo chí.
Chia sẻ tại Diễn đàn, với vai trò là doanh nhân, ông Nguyễn Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình cho biết, qua nghe ý kiến các nhà báo, chuyên gia thì thấy rằng các nhà báo đã rất hiểu doanh nghiệp cần gì, muốn gì và làm ăn ra sao. Khoảng cách nhà báo và doanh nhân đã gần hơn và đồng hành cùng đi trên một con đường.
Ông Nguyễn Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình
Ông Vẻ chia sẻ, công bằng mà nói, với tư cách gần 40 năm làm doanh nhân, chúng tôi chưa bao giờ thấy môi trường kinh doanh thông thoáng như bây giờ. Chưa bao giờ doanh nhân được đánh giá đúng mức, khen thưởng kịp thời, sánh vai với các giai tầng trong khu vực. “Để có được điều đó chúng tôi ghi nhận và đánh giá rất cao báo chí đã góp ý tham gia vào các dự luật, đấu tranh với những việc làm chưa tốt để tạo dựng môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp. Đồng thời, báo chí đã tôn vinh và làm thương hiệu cho doanh nghiệp rất tốt” – ông Vẻ đánh giá.
Ngoài ra, theo ông Vẻ, báo chí không chỉ thông tin tuyên truyền mà còn tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chúng ta có hơn 700 nghìn doanh nghiệp nhưng phần lớn lại doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ, những kiến thức về quản trị còn chưa hoàn thiện tuyệt đối thì chính báo chí đã cung cấp thông tin rất sát thực đồng thời đưa ra những dự báo cho doanh nghiệp tham khảo.
“Điều chúng tôi thấy là doanh nhân đã có nhận thức sâu sắc và khi gặp khó khăn đã tìm tới các nhà báo và luật sư để chia sẻ - đó là sự tin tưởng. Hoặc nhiều doanh nghiệp tìm nhà báo để chia sẻ để đưa thương hiệu ra trong nước và quốc tế” – ông Vẻ cho biết.
Tuy nhiên, còn một số bộ phận nhỏ sự hợp tác này chưa được cởi mở nhưng đó chỉ là rất nhỏ trong câu chuyện rất lớn về mối quan hệ này.
“Tôi cũng mong muốn các nhà báo chia sẻ và tư vấn hơn với doanh nghiệp; Đưa các mô hình tương tự và những bài học trên thế giới để doanh nghiệp qua đó học hỏi và ứng xử trong kinh doanh; Tích cực hơn trong việc góp ý chính sách phản biện chính sách để giúp môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp” – ông Vẻ nhấn mạnh, đồng thời cho rằng: "Đối với doanh nhân thì cũng cần chia sẻ thông tin, cung cấp thông tin kịp thời, sẵn lòng và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo. Chúng ta có thước phim hay, những bài báo đẹp thì cũng chính là công sức lớn của các nhà báo”.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hoá chất nông nghiệp TP Hà Nội đánh giá cao và ghi nhận đóng góp của báo chí với khởi nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, ông bày tỏ khi cảm thấy rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất thiệt thòi, “chúng tôi (PV- doanh nghiệp nhỏ và vừa) ít được đưa tin. Tôi cũng mong muốn báo chí quan tâm hơn nữa tới sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao vị thế của doanh nghiệp, cần hỗ trợ để tiếp tục phát triển lên” – ông cho biết.
Ông Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hoá chất nông nghiệp TP Hà Nội
Ông chia sẻ thêm “ngành nghề của chúng tôi là làm những công việc liên quan đến hóa chất nhưng khi chúng tôi nói đến hóa chất, thì xã hội nhìn vào chúng tôi khác rất nhiều. Do đó, mong cơ quan báo chí nhìn nhận hướng khác về hóa chất bảo vệ thực vật bởi có thể đôi khi ngòi bút vô tình của báo chí sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp”.
Là doanh nghiệp xã hội, bà Lê Thanh Hằng, Phó chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội (Hnew) cho rằng, loại hình này đã có bước phát triển, đem lại hiệu quả rất mới, báo chí nên tham gia và đồng hành cùng đối tượng doanh nghiệp này. Nhưng bên cạnh đó, bà Hằng mong rằng báo chí hãy quan tâm đến bình đẳng giới trong doanh nghiệp trên tinh thần động viên doanh nghiệp là nữ.
Bà Lê Thanh Hằng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nữ Hà Nội
Chia sẻ tại Diễn đàn, Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, Chương trình bình chọn “Tác phẩm báo chí viết về doanh nhân – doanh nghiệp và môi trường kinh doanh” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức đã trải qua hơn hai thập kỷ, cụ thể là 22 năm. Tuy nhiên, đã có thời điểm bị gián đoạn do trải qua 2 giai đoạn khủng hoảng kinh tế lớn đó là giai đoạn 1997-1998 và giai đoạn 2007-2008. Vì vậy chương trình không có khả năng để duy trì được, điều này phản ánh bức tranh kinh tế có giai đoạn thăng và trầm.
Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Ngoài ra, Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn cũng cho biết chỉ tính riêng năm 2018, Ban tổ chức đã nhận được hơn 400 tác phẩm của gần 40 cơ quan báo chí. Số lượng tác phẩm và cơ quan báo chí tăng gấp rưỡi so với năm ngoái. Qua 6 năm tổ chức, Ban tổ chức đã nhận được hàng nghìn bài viết từ khắp các cơ quan báo chí trên cả nước với những đóng góp tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Trong 3 năm gần đây, chương trình về cơ bản đã vẽ lên bức tranh tương đối rõ nét về doanh nhân, các bước phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt đó là thay đổi của môi trường đầu tư kinh doanh, thể chế chính sách Việt Nam.
Ngoài ra, một nội dung đáng chú ý mà Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn đã thông tin, đó là tất cả nội dung này được tập hợp và xuất bản thành những cuốn sách, với 3 phần nội dung chính:
Một là, tập hợp các bài báo mà Ban tổ chức đã nhận được.
Hai là, tập hợp nhiều tác phẩm, nghiên cứu về kinh tế pháp luật của các chuyên gia.
Ba là, tập hợp các báo cáo kết quả đánh giá về năng lực quản trị doanh nghiệp.
Ngoài ra, cuốn sách này cũng tập hợp chân dung doanh nghiệp trong nước và quốc tế với sự phối hợp với Công ty TNHH tư vấn EY Việt Nam.
Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn mong muốn, các cơ quan báo chí, doanh nhân tiếp tục đồng hành cùng Báo Diễn đàn Doanh nghiệp dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục hành trình tìm kiếm chân dung, những bài học kinh nghiệm và những nội dung phản ánh tốt hơn nữa về sự thay đổi của môi trường kinh doanh cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, trong điều kiện hiện nay thông tin không chỉ đơn thuần là thông điệp. Thông tin đúng, chính xác, khách quan thì đó chính là động lực. Ngược lại nếu dựa theo ý nghĩ chủ quan của nhà báo hoặc có lợi ích cá nhân thì nó là cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương
“Tôi làm việc với nhiều doanh nghiệp như Vingroup, Sungroup, Thaco… các doanh nghiệp này rất quan tâm tới truyền thông và quan hệ với báo chí; Phối hợp với báo chí để thông tin, giới thiệu về doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp tới thị trường trong nước và nước ngoài” - ông Hùng chia sẻ.
Theo thống kê, chi phí quảng cáo mỗi năm của doanh nghiệp Việt là hơn 1 tỷ USD, nhưng thị phần quảng cáo của riêng Facebook và Google là 12.000 tỷ đồng. Đài truyền hình 5.000 tỷ đồng còn lại hơn 8.000 tỷ đồng chia cho hơn 900 cơ quan báo chí. Kinh tế báo chí phải gắn liền với cơ quan báo chí.
“Nhưng chúng ta làm sao điều chỉnh quảng cáo trên các trang báo chí để làm kinh tế báo chí. Phải nhìn lại cách tư duy và chỉ đạo của chúng ta. Doanh nghiệp thấy rằng có những trang mạng rẻ tiền, câu view hay trang quảng cáo trái thuần phong mỹ tục, trang phản động nhưng lại sử dụng vì view cao. Do đó, doanh nghiệp phải nhận thức sâu sắc đầy đủ các kênh thông tin truyền thông từ các cơ quan báo chí”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Hùng đặt ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí. “Google và Facebook hoạt động tại Việt Nam phải gỡ tin trái thuần phong mỹ tục gắn liền với quảng cáo. Quy định là phải nộp thuế nhưng qua kiểm tra thì 12.000 tỷ đồng từ Facebook và Google thu được chưa hề đóng thuế trong những năm qua”, ông Hùng cho biết.
Theo đó, những trang xấu độc sẽ được quét thông tin, đồng thời liên kết Ngân hàng nhà nước không chuyển tiền với thông tin không trong sáng, các đường truyền của những trang này cũng sẽ bị dừng lại – ông cho biết thêm.
“Qua thời gian siết chặt vừa rồi thị phần của Google và Facebook trong 3 tháng qua đã giảm hẳn. Do đó, có thể nói, dư địa của báo chí và doanh nghiệp sẽ tăng lên trong thời gian tới”, ông Hùng nhận định.
Đặc biệt, theo ông Hùng, việc tháo gỡ và tuyên truyền cho doanh nghiệp trong cơ chế thị trường thì doanh nghiệp phải là chiến sĩ.
Ông đề nghị, khi thực hiện bài viết, nhà báo phải gắn động cơ xây dựng doanh nghiệp và đất nước hùng cường. Về phía các doanh nghiệp, phải cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí cả thuận lợi và khó khăn”.
Ông Hùng cũng chia sẻ, những cải cách của Chính phủ đã quan tâm tới các vấn đề báo chí đặt ra. “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng hỏi chúng tôi, giải ngân 6 tháng đầu năm chỉ đạt 27%, báo chí có phản ánh nguyên nhân gì không? Như vậy, thực tế cải cách thể chế đã đặt trong bối cảnh thực tiễn báo chí đặt ra. Tư duy toàn cầu nhưng hành động phải tại chỗ, doanh nghiệp người dân cần gì, mong mỏi gì. Phải trả lời được vấn đề thực tiễn này”, ông Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: “Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân – doanh nghiệp và môi trường kinh doanh năm nay được đặt trong bối cảnh Đại hội Đảng chuẩn bị diễn ra nên tôi mong muốn cuộc thi năm này sẽ không chỉ chia sẻ kinh nghiệm tốt, điển hình hay, mà nhấn mạnh vào hiến kế cho Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế, phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo”.
Ông Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, khi thực hiện bài viết, nhà báo phải gắn động cơ xây dựng doanh nghiệp và đất nước hùng cường. Về phía các doanh nghiệp, phải cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí cả thuận lợi và khó khăn.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, định hướng cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững.
“Tôi cảm ơn ông Lê Mạnh Hùng đã nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là các chiến sĩ trong thời bình, và việc xác định như vậy có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực đưa quan điểm này trong đại hội Đảng” – ông Lộc nhấn mạnh.
Về mô hình kinh tế và môi trường kinh doanh, theo ông Lộc, nhà nước giữ vai trò chèo lái. Đồng thời, định hướng lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước và xác định vai trò của doanh nhân, vì đây là lực lượng kinh tế nòng cốt.
“Chúng ta đang lúng túng trong quản lý kinh tế số, thúc đẩy phát triển kinh tế số và quản lý nhà nước chưa chuyển sang kinh tế số. Hiện tại, Facebook, Google đã là các nền tảng quan trong trọng nền kinh tế số thì chúng ta cũng nên thiết lập báo chí như một nền tảng quan trọng như vậy" - TS Vũ Tiến Lộc phân tích và đề nghị ông Lê Mạnh Hùng đồng hành cùng VCCI để thúc đẩy sự phát triển của báo chí với doanh nghiệp.
"Chúng tôi cũng hi vọng ông Hùng đồng hành cùng VCCI trong chương trình bình chọn này” - TS Vũ Tiến Lộc đề nghị.
Hôm nay : 2290
Tháng này : 19935
Tổng truy cập : 63688282