Năm 2023 đã mở ra bước ngoặt lớn cho Hà Tĩnh với nhiều sự kiện trọng đại, tạo nên những cơ hội mới, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần cầu thị, quyết tâm bứt phá của cả hệ thống chính trị, Hà Tĩnh tiếp tục phát huy năng lực nội sinh, mở rộng kết nối để kiến tạo động lực tăng trưởng, vững vàng trên chặng đường đi đến mục tiêu phát triển bền vững. Trước thềm xuân mới Giáp Thìn 2024, lãnh đạo tỉnh bạn, các chuyên gia, nhà đầu tư đã chia sẻ với Báo Hà Tĩnh về sự đồng hành cùng tỉnh nhà trên hành trình hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng.
Năm 2023 đã mở ra bước ngoặt lớn cho Hà Tĩnh với nhiều sự kiện trọng đại, tạo nên những cơ hội mới, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần cầu thị, quyết tâm bứt phá của cả hệ thống chính trị, Hà Tĩnh tiếp tục phát huy năng lực nội sinh, mở rộng kết nối để kiến tạo động lực tăng trưởng, vững vàng trên chặng đường đi đến mục tiêu phát triển bền vững. Trước thềm xuân mới Giáp Thìn 2024, lãnh đạo tỉnh bạn, các chuyên gia, nhà đầu tư đã chia sẻ với Báo Hà Tĩnh về sự đồng hành cùng tỉnh nhà trên hành trình hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng.
Cùng thành lập từ năm 1831, Hưng Yên và Hà Tĩnh có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, có nhiều tiềm năng, lợi thế và đang trên đường đổi mới nhanh, toàn diện. Sau các cuộc gặp gỡ, trao đổi, ngày 17/8/2023, BTV Tỉnh ủy 2 tỉnh Hưng Yên - Hà Tĩnh đã thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển giữa tỉnh Hưng Yên và Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025 với nội dung chia sẻ toàn diện các lĩnh vực trên tinh thần cởi mở, cùng phát triển. Từ đó, thúc đẩy, nâng tầm quan hệ giữa Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân 2 tỉnh, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho mỗi tỉnh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Trên cơ sở nội dung biên bản ghi nhớ, căn cứ từng thời điểm phù hợp, đánh giá những điểm mạnh của mỗi tỉnh để chủ động kết nối, chia sẻ, hợp tác. Trong đó, tập trung trao đổi kinh nghiệm, các giải pháp cụ thể hóa, tổ chức thực hiện chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ...
Hưng Yên là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành xây dựng NTM nên tỉnh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Hà Tĩnh. Những kinh nghiệm về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hưng Yên cũng có thể áp dụng, vận dụng linh hoạt trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai của Hà Tĩnh. Hưng Yên cũng sẽ chủ động trong việc hợp tác xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu, liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng giữa 2 địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp của 2 tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu các sản phẩm hàng hóa có tiềm năng, lợi thế để kết nối tiêu thụ; phối hợp tổ chức hội chợ thương mại ở mỗi tỉnh với sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX để quảng bá, xúc tiến thương mại...
Ngày 17/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển giữa hai tỉnh giai đoạn 2023-2025. Ảnh: Dương Chiến.
Hưng Yên và Hà Tĩnh vinh dự, tự hào là quê nội và quê ngoại của Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Phiên họp toàn thể lần thứ 42 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 21/11/2023 đã thông qua nghị quyết cùng vinh danh, tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Sự kiện này có thể coi là một điểm nhấn cho năm 2024 để 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Tĩnh nhìn nhận, đánh giá và định hướng phát triển nền y học cổ truyền nhằm kế thừa, phát huy di sản Đại danh y để lại. Thời gian tới, 2 tỉnh sẽ phối hợp đề xuất Trung ương quan tâm chỉnh trang, trùng tu, tôn tạo Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) và Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) để xứng tầm với công lao, đóng góp của Đại danh y.
Mục tiêu của Hà Tĩnh là trở thành một trong những cực phát triển của khu vực, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước; đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững. Để đạt được mục tiêu này, việc phải thực hiện đầu tiên là chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ tạo nên những thay đổi, trở thành “chìa khóa” để Hà Tĩnh lập nên những kỳ tích mới. Với sự phát triển của KH&CN và kỹ thuật, Hà Tĩnh có thể tạo ra nền tảng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nếu tỉnh không có nguồn lực lao động đủ chất lượng, trình độ để vận hành nền tảng công nghệ mới, các nhà đầu tư sẽ rời đi rất nhanh. Ngoài ra, nguồn lực còn cần phải có chi phí cạnh tranh, nếu không nhà đầu tư sẽ mang nhân lực từ nước ngoài vào. Chính vì vậy, FPT đặt vấn đề đầu tư giáo dục tại đây.
Con đường đi rất dài bắt đầu bằng việc FPT sẽ đầu tư hệ thống giáo dục phổ thông liên cấp, trường đào tạo nghề tại Hà Tĩnh, song song hướng tới xây dựng cao đẳng, FPT có thể đồng hành, trở thành người bạn đáng tin cậy và nghĩa tình với Hà Tĩnh, từ con người, công nghệ, tới kiến thức... Với ưu thế của Hà Tĩnh, năng lực của Tập đoàn FPT sẽ là mảnh ghép góp phần giúp tỉnh đi nhanh hơn, xa hơn, mang tinh thần hiếu học, đam mê KH&CN ra thế giới. Tập đoàn đã có chương trình trao đổi chính thức với lãnh đạo tỉnh và đề xuất tỉnh ưu tiên cho giáo dục, KH&CN và chuyển đổi số nhằm tận dụng lợi thế về nguồn lực tri thức, lao động trẻ. FPT mong muốn Hà Tĩnh tạo điều kiện để hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm gốc. Hiện nay, Tập đoàn FPT đã ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp giáo dục tại tỉnh Hà Tĩnh với tổng vốn đăng ký 500 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh làm việc với đoàn công tác Công ty cổ phần FPT (Tập đoàn FPT) do ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc tập đoàn dẫn đầu về một số định hướng hợp tác (tháng 3/2023). Ảnh: Dương Chiến.
FPT dự kiến thiết kế chương trình đào tạo dựa trên nguồn lực KT-XH địa phương trên cơ sở những mũi nhọn của tỉnh. Mục đích nhằm không “chảy máu chất xám” của tỉnh, học sinh - sinh viên được đào tạo sẽ ở lại đóng góp cho sự phát triển địa phương. FPT cũng sẽ đồng hành cùng Hà Tĩnh ở các lĩnh vực như cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số... Tập đoàn cam kết đồng hành cùng tỉnh, đặt mục tiêu, có kế hoạch, kết quả theo giai đoạn.
Chúng tôi rất ấn tượng với cách làm của Hà Tĩnh khi lãnh đạo địa phương trực tiếp đến CHLB Đức để giới thiệu tiềm năng, mời gọi tìm hiểu đầu tư. Qua giới thiệu của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi được biết Hà Tĩnh có nhiều lợi thế như giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào... Trong đó, Hà Tĩnh có cảng Vũng Áng - một trong những cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện với phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”.
VFT Industry UG là đơn vị có lợi thế về sử dụng công nghệ cắt giảm khí thải carbon (CO2) nhằm giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Công ty đã hợp tác với các nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia... Chúng tôi nhận thấy những điều kiện tốt để xây dựng một nhà máy hiện đại tại Hà Tĩnh, phù hợp định hướng SXKD của doanh nghiệp với mục tiêu cắt giảm khí thải carbon. Quyết định triển khai dự án tại Hà Tĩnh được củng cố hơn nữa bởi các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết quốc tế và song phương với Liên minh châu Âu (EU), Đức để vượt qua khủng hoảng khí hậu. Định hướng của chúng tôi là đầu tư dự án nhà máy thép không gỉ tại Khu kinh tế Vũng Áng với tổng diện tích dự kiến khoảng 250 ha; tổng mức đầu tư dự kiến 1,5 tỷ EURO, công suất sản xuất thép ước đạt 1,1 triệu tấn/năm; sản lượng điện hằng năm khoảng 700 triệu kWh.
Đoàn công tác cấp cao tỉnh Hà Tĩnh do Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải dẫn đầu làm việc với bà Antonia Zahn - Weber, Giám đốc điều hành Công ty VFT Industry UG về việc xây dựng nhà máy thép không gỉ tại Khu kinh tế Vũng Áng (tháng 9/2023). Ảnh: Trọng Thái.
Bằng công nghệ tiên tiến, VFT Industry UG có thể tạo ra sản phẩm thép không gỉ chất lượng cao với lượng phát thải thấp. Chúng tôi cũng mong muốn đạt được mức phát thải bằng 0 ngay từ những ngày đầu tiên và tạo ra khoảng 800.000 chứng chỉ vàng CO2 hằng năm. Cùng với tinh thần nhiệt tình của địa phương, VFT Industry UG cũng rất phấn khởi khi dự án có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi sẽ sớm đến Hà Tĩnh để lựa chọn, thống nhất vị trí và triển khai các bước tiếp theo trong kế hoạch đầu tư.
Hội Doanh nghiệp (DN) Hà Tĩnh phía Nam (tiền thân là CLB Doanh nhân Hà Tĩnh phía Nam) được thành lập từ tháng 5/2022. Qua gần 2 năm hoạt động, đến nay, hội đã quy tụ được 300 hội viên đầy tâm huyết, trách nhiệm với cộng đồng, tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội hướng về quê hương, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của đất và người Hà Tĩnh.
Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, hội luôn đồng hành, có nhiều đóng góp vào các diễn đàn kết nối quê hương Hà Tĩnh với DN, doanh nhân đang làm việc, sinh sống tại khu vực phía Nam. Mới đây nhất, chúng tôi đã phối hợp tổ chức thành công chương trình gặp mặt thanh niên, sinh viên Hà Tĩnh tiêu biểu và doanh nhân Hà Tĩnh sinh sống, làm việc, học tập tại các tỉnh phía Nam (tháng 11/2023). Với tinh thần tâm huyết, cống hiến của cộng đồng DN Hà Tĩnh phía Nam đối với công tác khuyến học, khuyến tài, chương trình đã biểu dương các sinh viên có thành tích xuất sắc; động viên, hỗ trợ các sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, rèn luyện. Đồng thời tạo cơ hội để con em quê hương được giao lưu, kết nối, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm; kết nối nguồn nhân lực chất lượng cao là con em quê hương với các DN, doanh nhân.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và các đồng chí lãnh đạo Hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh tại phía Nam trò chuyện với các bạn trẻ bên lề chương trình gặp mặt thanh niên, sinh viên Hà Tĩnh tiêu biểu tại TP Hồ Chí Minh và doanh nhân Hà Tĩnh khu vực phía Nam. Ảnh: Đình Nhất.
Ngoài ra, hội cũng tích cực tham gia vào các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội được tổ chức tại quê nhà. Riêng tại sự kiện công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư (tổ chức cuối tháng 5/2023 tại Hà Tĩnh), hội đã đóng góp những ý kiến quan trọng để cùng tỉnh kêu gọi đầu tư, nhất là với các DN, tập đoàn ở khu vực phía Nam cũng như cộng đồng thành viên hội và đối tác.
Chúng tôi đã, đang và sẽ tiến hành thêm nhiều hoạt động hỗ trợ, kết nối cộng đồng để cùng nhau xây dựng một Hà Tĩnh phát triển mạnh mẽ, phồn thịnh. Hội cũng mong muốn cộng đồng DN Hà Tĩnh nói chung và Hội DN Hà Tĩnh phía Nam nói riêng sẽ ngày càng xích lại gần nhau hơn, đoàn kết, gắn bó hơn. Từ đó, cùng lan tỏa giá trị cũng như đóng góp thiết thực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh và đất nước, đúng như thông điệp và sứ mệnh của Hội DN Hà Tĩnh phía Nam là: “Kết nối cộng đồng - kiến tạo tương lai”.
Để hỗ trợ Hà Tĩnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thời gian qua, các thành viên Nhóm Tư vấn Phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội (Nhóm Tư vấn) đã thảo luận, gợi mở nhiều giải pháp phát triển KT-XH. Trong năm 2023, Nhóm Tư vấn đã khảo sát thực địa và làm việc với lãnh đạo tỉnh, từ đó xây dựng 11 nhóm vấn đề cần tư vấn và cách thức tư vấn. Nhóm cũng đã tham gia hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và góp ý cho quy hoạch; tham gia góp ý các giải pháp phát triển theo đề nghị của một số sở, ngành, địa phương về các nội dung như: cảng biển, quy hoạch đô thị, văn hóa, du lịch, lao động, môi trường, dự án mỏ sắt Thạch Khê... Đồng thời, thảo luận về việc xây dựng trung tâm hoặc bệnh viện y học cổ truyền cạnh Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông ở Hương Sơn.
Năm 2024, Nhóm Tư vấn tiếp tục triển khai các nội dung đã nêu trong khung các vấn đề cần tư vấn theo đặt hàng của lãnh đạo tỉnh; góp ý cho các đề án phát triển của tỉnh, tư vấn các vấn đề mang tính chiến lược, dài hạn với hình thức cung cấp thông tin, tổ chức hội nghị/hội thảo khoa học. Trong đó, tập trung các nhóm vấn đề như: phát triển đô thị ở Hà Tĩnh để tạo đột phá; thúc đẩy liên kết vùng với Quảng Bình, Nghệ An và chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh; bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển công nghiệp theo hướng xanh, bền vững...
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trao đổi cùng các thành viên Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội bên lề cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2023 (tháng 11/2023). Ảnh: Ngọc Loan.
Đặc biệt, thực hiện khuyến nghị về xây dựng, áp dụng mô hình tiếp cận phát triển Hà Tĩnh bền vững, thịnh vượng, an toàn, dự kiến trong quý I/2024, Nhóm Tư vấn sẽ phối hợp với lãnh đạo tỉnh, Hội Khoa học kinh tế tỉnh tổ chức hội thảo khoa học theo hướng nội dung Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững với 5 báo cáo đề dẫn: tăng trưởng xanh - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Hà Tĩnh; chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam - hiện trạng, viễn cảnh và những khuyến nghị cho Hà Tĩnh; đánh giá tiềm năng và giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường tín chỉ carbon thành nguồn lực phát triển và khuyến nghị cho Hà Tĩnh; khai thác, phát huy kiến thức, danh tiếng của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - danh nhân được UNESCO vinh danh và một số đề xuất cho Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.
Hôm nay : 3601
Tháng này : 9495
Tổng truy cập : 76815108