Tại Hội nghị toàn quốc xử lý tình trạng nhũng nhiễu, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã nêu 10 giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn “tham nhũng vặt” hiện nay.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc vừa diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Trương Hoà Bình đã nêu 10 giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn “tham nhũng vặt” hiện nay.
Một là, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực để triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018 có hiệu lực vào ngày 1/7/2019 tới đây. Các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị đều được đúc rút từ thực tiễn công tác PCTN và dựa trên cơ sở các chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước, phù hợp với quy định của Luật PCTN.
Do đó, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị phải bảo đảm đồng bộ với việc thực hiện các biện pháp PCTN theo quy định của Luật PCTN; vừa thực hiện các giải pháp chung trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải chú ý thực hiện các biện pháp cụ thể để ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong giải quyết công việc. Phải có những nghị định hướng dẫn cụ thể việc thực hiện công tác PCTN.
Hai là, chú trọng gắn việc quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg với việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021 và Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 4/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đều là những mục tiêu vĩ mô của đất nước. Nhưng để đạt được những mục tiêu đó, nhất thiết phải đạt được những kết quả rất cụ thể trên các lĩnh vực của quản lý nhà nước, trong đó có kết quả về sự minh bạch, liêm chính khi giải quyết công việc của người dân, DN. Bảo đảm không có nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt”, đáp ứng yêu cầu của người dân và DN trong giải quyết hồ sơ công việc.
Ba là, từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp, đồng thời phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với lĩnh vực quản lý.
Qua nội dung Chỉ thị 10/CT-TTg và các tham luận, chúng ta đều thấy tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN xảy ra ở nhiều nơi nhưng tính chất, mức độ ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương là khác nhau. Yêu cầu chung của Chỉ thị là tất cả các ngành, các cấp đều phải quán triệt và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Phó Thủ tướng yêu cầu đặc biệt lưu ý tới những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực như: Thuế, hải quan, quản lý đất đai, quản lý môi trường, quản lý đầu tư, xây dựng, cấp giấy phép, cấp chứng chỉ hành nghề, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành, dịch vụ hành chính công ở xã, phường, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục. Ngay cả việc sắp xếp, thi tuyển cán bộ công chức, dư luận đã phản ánh về một số nơi có hình thành "đường dây chạy chọt"...
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ trọng tâm trọng điểm, các khâu, các lĩnh vực, vị trí quản lý nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm để tăng cường thi hành các biện pháp phòng ngừa, chấn chỉnh; phải tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý nghiêm vi phạm để bảo đảm tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị 10/CT-TTg.
“Nhất thiết phải nhanh chóng tạo được những chuyển biến thực chất, tích cực, rõ nét”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Bốn là, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Chỉ thị; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước. Phải coi đấu tranh PCTN, trong đó có “tham nhũng vặt” làm một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài và lấy đó làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của từng cơ quan, đơn vị. Đây cũng là tiêu chí đánh giá trong công tác cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân đối với cơ quan nhà nước.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thể nói không biết bộ phận nào, nơi nào dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng ở cơ quan mình.
Năm là, đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật. Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ. Cần ban hành quy chế làm việc quy định rõ trách nhiệm, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, nhất là đối với các lĩnh vực như thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường, thanh tra, kiểm toán, điều tra… phải đảm bảo ngăn chặn cho được tình trạng sách nhiễu, “vòi vĩnh”, đòi “chung chi” để phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.
Sáu là, từng cơ quan, đơn vị ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các điểm giao dịch, tiếp xúc với người dân, DN; thường xuyên có bộ phận theo dõi, giám sát các hoạt động này và có hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài hòng của người dân khi tiếp xúc giải quyết công việc, Quảng Ninh là điển hình tốt cho vấn đề này.
Qua đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Cơ quan nhà nước giải quyết công việc trên môi trường mạng, không tiếp xúc trực tiếp với dân nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
Bảy là, phải phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, cộng đồng DN và nhân dân trong việc phối hợp, hỗ trợ cơ quan nhà nước ngăn chặn, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức; gắn việc thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với việc thực hiện tốt công tác dân vận và các nhiệm vụ của “Năm dân vận chính quyền” với phương châm: “Có dân thì tham nhũng lớn cũng diệt được, thiếu dân thì tham nhũng vặt dẹp cũng không xong”.
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân để giải quyết thực chất, dứt điểm công việc; tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân; có lỗi thì phải công khai xin lỗi, khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm; chú trọng sự hài lòng của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính, tổ chức cung cấp dịch vụ công, tổ chức tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật…
Tám là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, bởi vẫn còn một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa xóa bỏ được tâm lý đưa quà cáp, biếu xén, thậm chí là hối lộ để được giải quyết công việc. Tâm lý này cũng có một phần nguyên nhân từ việc gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức làm cho người dân, DN muốn được việc phải chấp nhận tiêu cực. Do đó, đồng thời với việc giúp người dân, DN nâng cao nhận thức thì phải xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ vi phạm.
“Kiên quyết xử lý hình sự, không xử lý hành chính đối với những trường hợp vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Một nguyên nhân của tình trạng “tham nhũng vặt” này là thói quen của “văn hoá” phong bì, xin cho, lót tay đã tồn tại trong xã hội thời gian dài. Vì vậy, toàn xã hội có phong trào rộng khắp lên án hành vi này với sự vào cuộc của toàn dân, dư luận xã hội, gắn với các phong trào thiết thực đang thực hiện ở cấp cơ sở như dân chủ cơ sở, nếp sống văn hoá, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới… Qua đó, giám sát, lên án và từng bước loại bỏ tình trạng “tham nhũng vặt” hiện nay.
Chín là, về một số nhiệm vụ cụ thể trước mắt, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phổ biến quán triệt, triển khai chương trình hành động để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trong đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan tăng cường đôn đốc, kiểm tra thường xuyên, đột xuất hoạt động thực thi công vụ để kịp thời, phát hiện, xử lý ngay hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc; khẩn trương đề xuất sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, trước mắt đề xuất sửa đổi các quy định có liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ với quy định về xử lý kỷ luật của Đảng.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc bổ sung nội dung đánh giá về nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện pháp luật về xử lý đối với hành vi nhũng nhiễu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2019. Xem xét việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm có xảy ra việc “lobby” chính sách, pháp luật hay không?
Thanh tra Chính phủ chủ trì rà soát, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương lập đường dây nóng và hộp thư điện tử để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ đánh giá, sơ kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Chỉ thị.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể chính trị - xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền sâu rộng về chính sách, pháp luật; hướng dẫn, khuyến khích DN xây dựng và thực hiện chương trình liêm chính, người dân tuân thủ các quy tắc, văn hóa ứng xử văn minh, xây dựng văn hoá DN doanh nhân.
Kiến nghị Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường hoạt động giám sát trong thực thi công vụ của các cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức nhà nước nhằm góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
BBT
Hôm nay : 2457
Tháng này : 27752
Tổng truy cập : 98030649