Xác định doanh nghiệp là “bạn đồng hành”, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã trao cơ hội để doanh nhân chủ động thích ứng, mạnh dạn đầu tư, khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế
Năm qua, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh (thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) “chật vật” khắc phục bất cập về giá cả, thị trường. Giai đoạn 2022-2023, giá lợn hơi “lao dốc”, trong khi chi phí phòng chống dịch bệnh đàn vật nuôi cùng giá thức ăn chăn nuôi “leo thang” khiến doanh nghiệp (DN) lỗ hơn 50 tỷ đồng. Tình hình SXKD nhiều thời điểm “bế tắc”, song DN đã nỗ lực duy trì chuỗi liên kết, góp phần ổn định ngành chăn nuôi tỉnh nhà.
Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh được ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh.Ông Hồ Sỹ Huy Thảo - Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh chia sẻ: “Với nền tảng quan hệ tín dụng đã được gây dựng qua nhiều năm, ngành ngân hàng nói chung và Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh nói riêng luôn đồng hành, hỗ trợ DN. Nếu khi “thuận buồm xuôi gió”, chúng tôi được cung ứng vốn mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất thì giai đoạn bất lợi, đơn vị được Vietcombank duy trì mức vay hàng chục tỷ đồng để không “đứt gãy” chuỗi liên kết chăn nuôi. Ngoài cấp vốn, ngân hàng còn giảm lãi suất cho vay và duy trì ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp, tạo động lực phát triển cho DN. Nếu quý I/2024, đơn vị còn ghi nhận lỗ thì từ quý II trở đi, hoạt động khởi sắc khi giá lợn hơi tăng, thị trường từng bước ổn định, DN bắt đầu có lãi”.
Chưa bao giờ hoạt động của Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh liên tục gặp khó như 2 năm qua. Giá bông nhập khẩu tăng từ năm 2022 lại nay, trong khi giá sợi giảm gần 2 năm qua và đến nay chưa phục hồi. Cùng đó, chi phí vận chuyển tăng 20%, giá điện tăng liên tiếp 2 năm khiến DN “đội” nhiều chi phí.
Theo ông Nguyễn Giang Nam - Trưởng phòng Tổ chức, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh, khó khăn bủa vây, song với sự trợ lực từ các tổ chức tín dụng, DN vẫn đủ nguồn lực đầu tư, không để “đứt gãy” chuỗi xuất khẩu đã kỳ công gây dựng với sản lượng 600 tấn sợi/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động địa phương.
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh.Năm qua, ngoài phát triển “tệp” khách hàng truyền thống, đơn vị đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới. Ngoài đối tác xuất khẩu chủ lực Nhật Bản, công ty đàm phán và ký hợp đồng tiêu thụ với các DN mới tại Bangladesh, Ai Cập, Hàn Quốc, Thái Lan... DN tiếp tục đầu tư nâng cấp thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; tự động hóa dây chuyền sản xuất, gia tăng hiệu quả kinh doanh. Điều đáng ghi nhận là khi nhiều DN sợi trên cả nước phải tạm ngừng sản xuất thì Vinatex Hồng Lĩnh vẫn “đứng vững trước bão dông”. Hành trình vượt khó của DN có đóng góp lớn từ “nhà băng” với nhiều giải pháp tạo điều kiện phục hồi, phát triển.
Sau quá trình tái cơ cấu (tháng 11/2017), Công ty CP Thủy điện Hương Sơn gặp không ít khó khăn, nhất là nguồn lực đầu tư sản xuất điện, góp phần phát triển ngành công nghiệp Hà Tĩnh. Với mục tiêu đồng hành nâng tầm DN, từ năm 2018 lại nay, Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh đã “rót vốn” để Công ty CP Thủy điện Hương Sơn vượt khó, duy trì hiệu quả hoạt động SXKD. Với quy mô 2 tổ máy phát điện, tổng công suất 33 MW, mỗi năm, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn (đóng tại địa bàn xã Sơn Kim 1) đã sản xuất trên 100 triệu kWh, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Vietcombank Bắc Hà Tĩnh đã cho Công ty CP Thủy điện Hương Sơn vay vốn đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Hương Sơn 2.Ông Võ Hồng Sơn - Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh cho biết: “Sau quá trình tái cơ cấu đã đánh dấu một bước ngoặt trong hoạt động SXKD của Công ty CP Thủy điện Hương Sơn. Nhiều năm qua, chi nhánh đã cấp vốn hàng trăm tỷ đồng cho DN đầu tư sản xuất điện. Gần đây, Vietcombank Bắc Hà Tĩnh đã cho đơn vị vay trên 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Hương Sơn 2 trên địa bàn xã Sơn Kim 1 với công suất 6,4 MW. Dự án đưa vào khai thác thương mại từ tháng 11/2024, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bổ sung nguồn điện năng cho quốc gia, đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động”.
Cũng như ngành dược Việt Nam, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, năm qua, Công ty CP Dược Hà Tĩnh (HADIPHAR) phải đối mặt những thách thức từ kinh tế tăng trưởng chậm; nhu cầu tiêu dùng yếu; biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; cạnh tranh giữa các DN cùng ngành… Một mặt, DN phải đầu tư mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu, mặt khác chú trọng “giải bài toán” lạc hậu về dây chuyền máy móc.
Ông Lê Quốc Khánh - Tổng Giám đốc HADIPHAR cho biết: “Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất dược phẩm, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại cho 2 nhà máy đông dược và tân dược là “chìa khóa” giúp HADIPHAR nâng cao hiệu suất, chiếm lĩnh thị trường. Năm 2024, DN cùng lúc phải cân đối nguồn lực duy trì, phát triển chuỗi SXKD, vừa bố trí chi phí đầu tư nghiên cứu khoa học kỹ thuật, sáng chế sản phẩm có giá trị; ưu tiên đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại thay thế cho những cỗ máy đã khai thác hàng chục năm qua với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng. Chính sự hậu thuẫn của ngành ngân hàng với các “ông lớn” trên địa bàn Hà Tĩnh như: BIDV, Vietcombank, VietinBank… đã giúp DN có đủ nguồn lực đầu tư “dài hơi”, đưa thương hiệu HADIPHAR vươn ra thế giới”.
Năm 2025, Công ty CP Dược Hà Tĩnh phấn đấu doanh thu 500 tỷ đồng.Nhìn lại, năm 2024, dù nền kinh tế có những dấu hiệu phục hồi, song cộng đồng DN vẫn đối mặt nhiều thách thức do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị trên thế giới.
Xác định DN là “người bạn đồng hành”, các giải pháp chính sách của ngành ngân hàng đều hướng đến DN là trung tâm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng đã được ban hành như: cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí cho DN... Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kéo giảm mặt bằng lãi suất, tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng để hỗ trợ DN phục hồi, phát triển.
Đến 31/12/2024, dư nợ cho vay ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt 109.550 tỷ đồng, tăng 14,05% so với cuối năm 2023.Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục đồng hành, tạo nguồn lực giúp DN vượt khó, duy trì và phát triển SXKD, nỗ lực đưa nguồn vốn “giá rẻ” tới DN.
Với sự trợ lực từ ngành ngân hàng, các DN Hà Tĩnh đã có sự phục hồi và phát triển tích cực, nhiều DN thay đổi loại hình hoạt động thích ứng với bối cảnh mới, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong thúc đẩy phát triển nền kinh tế tỉnh nhà. Đến 31/12/2024, dư nợ cho vay toàn ngành đạt 109.550 tỷ đồng, tăng 14,05% so với cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh
Hôm nay : 1641
Tháng này : 24803
Tổng truy cập : 97884294