Sáng 5/7, Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Công ty CP Misa tổ chức tọa đàm về phát triển đại lý thuế; đồng thời phổ biến những điểm mới của Luật Quản lý thuế năm 2019.
Hơn 100 đại lý thuế tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Trung Kiên
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA cho rằng, để phát triển thì đại lý thuế phải có đạo đức nghề nghiệp, không tư vấn cho doanh nghiệp (DN) né thuế, hay trốn thuế. Đại lý thuế phát triển quá chậm so với kế hoạch Phát biểu trước hơn 100 đại lý thuế đang hoạt động tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, cả nước hiện có 567 đại lý thuế, chủ yếu là tập trung tại một số thành phố lớn như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...; trong đó mới có 42 tỉnh có đại lý thuế, còn lại 21 tỉnh, thành phố chưa có đại lý thuế. “Theo chiến lược phát triển đại lý thuế, giai đoạn 2011 - 2015 phải có 3.000 đại lý thuế; đến năm 2020 tăng lên 8.000 đại lý thuế. Như vậy, rõ ràng hệ thống đại lý thuế đang phát triển chậm và phân bố không đồng đều. Số đơn vị có quy mô lớn cũng rất ít, chủ yếu là đại lý nhỏ, hoạt động nhỏ lẻ” - bà Cúc nói. Cũng theo bà Cúc, việc cơ quan thuế phối hợp với đại lý thuế để hỗ trợ DN cũng chỉ diễn ra ở một vài đơn vị, như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Công tác quảng bá dịch vụ khai thuế của đại lý thuế cũng chưa tốt. Bà Cúc cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho đại lý thuế phát triển, Bộ Tài chính đã có Quyết định 420/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch phát triển hệ thống đại lý thuế. Mục tiêu đưa ra là làm sao để xã hội hóa được công tác hỗ trợ người nộp thuế thông qua đại lý thuế, vì hiện nay, toàn ngành Thuế chỉ có khoảng 43.000 cán bộ, công chức thuế, trong khi đó, cả nước hiện có khoảng 700.000 DN đang hoạt động, trong đó có 520.000 DN siêu nhỏ. “Chiến lược phát triển hệ thống đại lý thuế cũng đặt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 có 10% DN sử dụng dịch vụ đại lý thuế, tức khoảng 70.000 DN khai thuế qua đại lý thuế. Trong khi đó, đến nay mới có khoảng 2.000 - 3.000 DN sử dụng dịch vụ khai thuế qua đại lý thuế. Con số này là quá nhỏ so với mục tiêu đề ra” - bà Cúc nói. Bà Cúc đề nghị, để đảm bảo 90% DN sử dụng dịch vụ khai thuế qua đại lý thuế cảm thấy hài lòng, theo đúng mục tiêu của Chiến lược phát triển hệ thống đại lý thuế, các đại lý thuế phải có đạo đức nghề nghiệp, khi tư vấn thuế cho DN phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về thuế, không tư vấn cho DN né thuế, trốn thuế. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của đại lý thuế Bà Lê Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện số người được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế đến đầu tháng 7/2019 là 4.710 người, trong đó mới chỉ có 1.361 nhân viên đại lý thuế hoạt động ở 567 DN đại lý thuế, chiếm khoảng 30% tổng số người được cấp chứng chỉ hành nghề. “Điều này có nghĩa, 70% người được cấp chứng chỉ còn lại xin cấp chứng chỉ để… cất trong tủ” - bà Thủy nói. Giải thích về số DN khai thuế thông qua đại lý thuế còn quá khiêm tốn, đồng thời sự phát triển của đại lý thuế chậm, bà Thủy cho biết, ngoài sự bất cập về cơ chế chính sách, thì các đại lý thuế hiện nay hoạt động khá độc lập, chưa có sự gắn kết trách nhiệm của mình với DN, nên DN chưa thực sự tin tưởng khi sử dụng dịch vụ. “Hiện tại TP. Hồ Chí Minh có thành lập câu lạc bộ đại lý thuế, còn ở các địa phương khác thì chưa. Vì thế, các DN vẫn chỉ tự loay hoay khai thác khách hàng, đôi khi có những vướng mắc nhưng không biết trao đổi với ai. Ngoài ra, các đại lý thuế cũng chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu của mình” - bà Thủy nói. Để tạo điều kiện cho đại lý thuế phát triển, bà Thủy cho biết, trong thời gian tới, sẽ tham mưu với lãnh đạo Tổng cục Thuế có sự chỉ đạo hệ thống thuế cả nước có sự quan tâm đúng mức hơn đối với các đại lý thuế trên địa bàn, tạo điều kiện để các đại lý thuế phát triển. Tuy nhiên, muốn tạo sự gắn kết giữa cơ quan thuế và đại lý thuế, bà Thủy cho rằng, về phía các DN đại lý thuế cũng phải thay đổi tư duy của người làm dịch vụ tư vấn. “Đại lý thuế phải là cánh tay nối dài của cơ quan thuế kết nối với người nộp thuế, chứ không phải với tâm thế né tránh, hoặc tư vấn để trốn thuế. Nếu đại lý thuế thay đổi tư duy hành nghề như vậy, thì cơ quan thuế cũng sẽ phải thay đổi cách nhìn nhận về đại lý thuế” - bà Thủy nói.
Luật Quản lý thuế sửa đổi tạo cơ hội để đại lý thuế phát triển “Với sự ra đời của Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử, Thông tư 132/2018/TT-BTC về chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ và hiện nay là Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ là thời điểm vô cùng thuận lợi để các đại lý thuế phát triển. Theo xu thế của cuộc cách mạng 4.0, với số lượng khách hàng rất lớn như hiện nay, chúng tôi không thể nào trực tiếp triển khai tư vấn, hỗ trợ cho các DN. Vì thế, từ năm 2019, chúng tôi chuyển hướng sang hỗ trợ DN thông qua mạng lưới đại lý thuế và các cộng tác viên. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng với các đại lý thuế cung cấp các giải pháp phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử cho DN” - Bà Đinh Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty CP Misa nói. |
Nhật Minh (thực hiện)
Hôm nay : 6956
Tháng này : 50428
Tổng truy cập : 80529654