"Chưa hết nhiệm kỳ đã có hơn 90 cán bộ cao cấp bị kỷ luật. Nói như vậy để thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là dấu ấn của nhiệm kỳ này", tiến sĩ Nguyễn Viết Thông nói.
Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2020), Zing.vn có cuộc trò chuyện với Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Viết Thông - Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương. Nhìn lại lịch sử 90 năm qua, tiến sĩ Nguyễn Viết Thông đánh giá vai trò của Đảng ngày càng được khẳng định và có nhiều dấu ấn.
- Là Tổng thư ký của Hội đồng Lý luận Trung ương - cơ quan tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị, định hướng và hoạch định các chính sách, chuẩn bị văn kiện - ông có thể kể những dấu ấn về vai trò lãnh đạo của Đảng trong 90 năm qua?
- Dấu ấn đầu tiên phải nhắc đến là khi Đảng ta mới 15 tuổi với 5.000 đảng viên đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám, thành lập Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Dấu ấn thứ hai là chúng ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Thứ ba là Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH.
Dấu ấn thứ tư gắn với Đại hội VI - được coi là Đại hội đổi mới của Đảng. Đường lối đổi mới là toàn diện nhưng Đảng ta đặt vấn đề về đổi mới tư duy, trước hết là tư duy về kinh tế.
Trong quá trình đổi mới, Đảng ta có cái tài tình, đúng đắn ngay từ đầu là xác định đổi mới toàn diện, nhưng phải có lộ trình, bước đi phù hợp. Trước hết là đổi mới kinh tế rồi từng bước đổi mới chính trị. Chính trị là vấn đề rất lớn, khó, nhạy cảm và đã có bài học khi công cuộc cải cách ở Liên Xô, Đông Âu đã đổi mới chính trị không đúng, nóng vội dẫn đến CNXH sụp đổ.
Đến Đại hội XI, XII của Đảng, chúng ta lại chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ, bởi nếu không đổi mới cả kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh, đối ngoại… thì sẽ cản trở lẫn nhau.
Trong nhiệm kỳ khóa XII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách mạnh mẽ. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Nhìn lại công cuộc xây dựng Đảng với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta cũng đã chỉ ra sai lầm, khuyết điểm mà nguyên nhân chính là do chủ quan, nóng vội, duy ý chí. Khiếm khuyết này xuất phát từ công tác tư tưởng và công tác cán bộ.
Đặc biệt, Đại hội VI chỉ ra việc chúng ta say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế nên dẫn đến sai lầm, đưa đất nước vào khủng hoảng trầm trọng vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Và Đảng cũng trong tình trạng ấy, cũng có những khuyết điểm như thế, nhưng rất may cho Đảng ta là đã kịp thời nhận ra khuyết điểm.
Vì thế, chúng ra đã tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiếc rằng cuộc vận động theo tinh thần nghị quyết đề ra cũng chưa đạt yêu cầu. Sau này, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - người đã ký Nghị quyết Trung ương 11 lần 2 khóa VIII trả lời rằng: Nghị quyết đã khám đúng bệnh, đã bốc đúng thuốc nhưng uống không đủ liều nên bệnh tình của con bệnh gia tăng.
Dấu ấn trong thời kỳ đổi mới là chúng ta bắt đầu coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ khoá IX đến khoá XII chúng ta luôn coi trọng việc này, trong các văn kiện thể hiện rất rõ.
Theo tổng kết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành tổng cộng 124 chỉ thị, nghị quyết, kết luận, thông tư hướng dẫn… liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng.
Có thể nói, chưa có nhiệm kỳ nào Đảng tập trung vào công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, về tổ chức bộ máy, và về cán bộ như nhiệm kỳ này.
- Ông đánh giá kết quả trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt được như mong muốn, vậy nguyên nhân là gì? Có phải do lúc chúng ta làm mạnh mẽ, nhưng có lúc lại chùng xuống?
- Tôi từng tham gia tổ biên tập văn kiện từ Đại hội IX đến nay thì thấy có những đại hội chúng ta có báo cáo riêng về công tác xây dựng Đảng, có đại hội không có báo cáo riêng nhưng phần xây dựng Đảng cũng chiếm 1/3 số trang của toàn bộ báo cáo chính trị, đề cập một cách toàn diện về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Điều đáng nói là việc tổ chức thực hiện nghị quyết về xây dựng Đảng nói riêng và tổ chức thực hiện các nghị quyết nói chung vẫn là khâu yếu lâu nay. Nghị quyết đúng nhưng thực hiện chưa quyết liệt.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là dấu ấn của nhiệm kỳ này
Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Viết Thông
Ngay cả khóa này thực hiện có chuyển biến nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nhưng rút kinh nghiệm nên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo quyết liệt hơn với quyết tâm chính trị cao hơn, thể hiện rất rõ qua việc bất cứ ai vi phạm đều phải xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Chưa hết nhiệm kỳ đã có hơn 90 cán bộ cao cấp bị kỷ luật, trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương. Nói như vậy để thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là dấu ấn của nhiệm kỳ này.
"Chưa hết nhiệm kỳ đã có hơn 90 cán bộ cao cấp bị kỷ luật. Nói như vậy để thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là dấu ấn của nhiệm kỳ này".
Song, cũng phải thừa nhận rằng có những lúc, những nơi chúng ta làm chưa quyết liệt nên hiệu quả chưa cao. Vì thế, trong Đảng vẫn còn những khuyết điểm như tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp…
- Mọi sai lầm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều xuất phát hoặc liên quan đến công tác cán bộ. Vừa qua rất nhiều trường hợp “quy trình đúng nhưng vẫn chọn sai người”. Đại hội Đảng XIII đang đến gần, theo ông, cần rút ra bài học gì trong công tác này?
- Công tác cán bộ từ xưa được Bác Hồ coi trọng và nay Đảng ta cũng vậy. Bác Hồ đã nói cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Người là mẫu mực trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ.
Nhưng trong quá trình đổi mới, mặt trái của cơ chế thị trường tác động, len lỏi vào mọi ngóc ngách xã hội khiến chúng ta chưa lường trước được. Không chỉ kinh tế, nó len lỏi vào lĩnh vực nhạy cảm hơn, ví dụ trong công tác cán bộ, đó là vấn đề hệ trọng. Thậm chí, nó len lỏi vào công tác tâm linh, như chạy trụ trì chùa để có nhiều thu nhập, để buôn thần bán thánh…
Ma lực của đồng tiền có sức hút, cám dỗ ghê gớm. Đội ngũ cán bộ bị tác động, công tác cán bộ biểu lộ mặt trái của cơ chế thị trường. Vì thế, từ Đại hội XI đặt ra vấn đề chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.
Các đại hội gần đây đã đã chỉ ra khuyết điểm ở lĩnh vực này, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Con số hơn 90 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật vừa qua đã đủ để cho thấy công tác cán bộ có vấn đề.
Báo chí đề cập nhiều đến quy trình bổ nhiệm. Bản thân quy trình không có lỗi, nhưng người thực hiện quy trình không đúng ở một số nơi, dẫn đến bổ nhiệm sai, bổ nhiệm người nhà, người thân, cánh hẩu, rồi cả doanh nghiệp thao túng cán bộ gây bức xúc xã hội.
Điển hình như vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và 2 cựu chủ tịch UBND Đà Nẵng cho thấy một doanh nghiệp có thể thao túng rất nhiều cán bộ. Rút kinh nghiệm từ những khuyết điểm, chúng ta đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng.
Với cán bộ cấp chiến lược đã có quy trình từng bước để chọn ra 184 người vào quy hoạch Ban chấp hành Trung ương. Ảnh: TTXVN. |
Ví dụ với cán bộ cấp chiến lược đã có quy trình từng bước để chọn ra 184 người vào quy hoạch Ban chấp hành Trung ương. Để chuẩn bị cho Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị 35, trong đó nhấn mạnh việc lựa chọn đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn cả về đạo đức, năng lực, trình độ.
Gần đây nhất, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Nếu thực hiện nghiêm các quy định sẽ góp phần lựa chọn ra đội ngũ cán bộ cả 4 cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Vừa rồi Trung ương mới cho ý kiến quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, trong năm 2020 sẽ còn phải quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới.
Và đương nhiên, còn xem xét bổ sung quy hoạch Ban chấp hành Trung ương nếu có xuất hiện nhân tố mới.
- Có ý kiến lo ngại với việc nhiệm kỳ này kỷ luật hàng loạt cán bộ, đặc biệt cán bộ cấp cao, sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo yếu tố nhân sự cốt cán cho khóa mới. Ông nghĩ sao?
- Tôi nghĩ việc kỷ luật hàng loạt không ảnh hưởng gì, bởi đến nay, Ban chấp hành Trung ương kể cả dự khuyết có gần 200 người. Bàn về độ tuổi của cán bộ trong Ban chấp hành Trung ương thì có lẽ cũng như các khóa trước, có số cán bộ trong Bộ Chính trị nghỉ hưu nhưng số còn lại cũng không ít.
Chúng ta không thiếu cán bộ, vấn đề là cơ chế tuyển chọn làm sao chọn được người tài. Việt Nam không thiếu người tài
Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Viết Thông
Tính sơ qua thì số cán bộ còn tuổi ở Bộ Chính trị là gần 50%. Như vậy, ở cấp cao nhất thì tỷ lệ cán bộ còn tuổi công tác là rất cao.
Quy hoạch cán bộ Trung ương khóa mới đã duyệt được 184 người và còn mở rộng tiếp lên khoảng hơn 200 người, chưa kể số ủy viên Trung ương khóa cũ còn lại khoảng 100 người. Như thế là rất phong phú.
Ngoài ra, quy hoạch vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư lên tới 30 người theo tinh thần có số dư và cũng đã xuất hiện người đủ đức, đủ tài để vào Ban Bí thư. Điều đó cho thấy chúng ta không thiếu cán bộ, vấn đề là cơ chế tuyển chọn làm sao chọn được người tài. Việt Nam không thiếu người tài.
- Việc kỷ luật hàng loạt cán bộ thể hiện quyết tâm làm trong sạch Đảng cũng như sự nghiêm minh của Đảng. Nhưng ông nghĩ thế nào khi nhiều người lo ngại việc kỷ luật khiến nhiều cán bộ “co cụm”, chọn phương án an toàn theo cách "không làm gì"?
- Đúng là nhiều người có lo ngại đó, nhưng Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần nói rằng ý kiến đó không đúng. Bởi nếu đúng thế thì làm sao chúng ta có tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 7% trong khi kinh tế thế giới đang suy giảm?
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Viết Thông - Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Hoài Vũ. |
Chúng ta vẫn làm, còn những người “ngại” làm hay làm cầm chừng thì không phải do ta chống tham nhũng quyết liệt, mà là có nguyên nhân. Có thể do họ không nắm chắc pháp luật. Thực tế cần nhìn nhận thẳng thắn rằng hệ thống pháp luật của ta còn chồng chéo, làm đúng luật này thì sai luật khác.
Tại các phiên tòa xét xử một số cán bộ cấp cao, các bị cáo đó đều nói rằng “nếu xử được tôi thì còn xử được nhiều người nữa”. Như vậy để thấy luật của ta có chồng chéo, mâu thuẫn khiến cán bộ dễ mắc khuyết điểm. Vì thế, nhiều người trở nên thận trọng hơn.
Vì thế, một trong những trọng tâm của Đại hội XIII tới đây là phải đổi mới thể chế mà trước hết là đổi mới hệ thống pháp luật để vừa thông thoáng vừa thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cần có những người hành động, dám làm dám chịu
Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Viết Thông
Song thực tế, đúng là cũng có những người nhụt chí, không dám làm, họ cầu toàn, thu mình lại vì sợ bị “đưa vào lò”. Nhưng cả xã hội đang làm, nếu không thì làm sao có tốc độ tăng trưởng như hiện nay.
Xã hội bây giờ cũng khác rồi, không còn thời của những cán bộ "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên", những người hiền lành, dễ sai bảo lên làm lãnh đạo nữa, mà cần có những người hành động, dám làm dám chịu.
Theo tôi, chỉ có thi tuyển cán bộ, thi tuyển lãnh đạo mới hạn chế tình trạng này. Lựa chọn bằng phiếu bầu, phiếu tín nhiệm thì cảm tính; còn bổ nhiệm thì còn tiêu cực và nhiều thủ thuật lắm.
Hôm nay : 81
Tháng này : 52396
Tổng truy cập : 82065940