Giai đoạn cuối năm, doanh nghiệp Hà Tĩnh đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh, trong khi điện tăng giá sẽ đồng nghĩa với việc phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến thu nhập.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 11/10/2024 với mức tăng thêm 4,8%, lên mức 2.103,11 đồng/kWh.
Được biết, trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã được điều chỉnh tăng 2 lần (tăng 3% vào tháng 5/2023 và tăng 4,5% vào tháng 11/2023). Với 2 lần tăng giá trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm 142,35 đồng/kWh và giá điện bình quân tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Do vậy, việc EVN điều chỉnh giá điện giai đoạn cuối năm 2024 tạo ra áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh.
EVN vừa công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 11/10/2024 với mức tăng thêm 4,8%, lên mức 2.103,11 đồng/kWh.Với 2 nhà máy sản xuất tân dược và đông dược tại TP Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên, bình quân mỗi tháng, Công ty CP Dược Hà Tĩnh tiêu thụ hơn 600 triệu đồng tiền điện. Do vậy, lần này với việc tăng giá điện thêm 4,8% khiến doanh nghiệp này phải “đội” thêm chi phí, mỗi năm tăng thêm gần 400 triệu.
Ông Lê Quốc Khánh – Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh cho biết: "Năm 2023, 2 lần EVN tăng giá điện, doanh nghiệp đã phát sinh chi phí lớn. Hiện nay, trong thời điểm thị trường đang đối mặt với nhiều khó khăn, việc giá điện tiếp tục tăng sẽ khiến chi phí sản xuất “leo thang”, trong khi giá thành sản phẩm bán ra không tăng sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp".
Theo tính toán ban đầu, việc tăng giá điện lần này sẽ khiến Công ty CP Dược Hà Tĩnh phải phát sinh thêm gần 400 triệu tiền điện mỗi năm.Trước diễn biến giá điện tăng, Công ty CP Dược Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp, triển khai các giải pháp để tiết giảm tối đa các chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
"Công ty có nhiều máy móc sản xuất với công suất lớn, đòi hỏi phải bố trí lại quy trình sản xuất, hạn chế sử dụng các máy móc công suất lớn vào các khung giờ cao điểm; các tổ sản xuất phải chủ động xây dựng lại kế hoạch, sử dụng hiệu quả các thiết bị, chú trọng tăng năng suất lao động.
Ngoài ra, công ty tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về sử dụng điện tiết kiệm hơn như: tắt đèn, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, sử dụng điều hòa nhiệt độ hợp lý; đầu tư kinh phí để tiếp tục hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, loại bỏ dần các thiết bị tiêu hao điện năng bằng các thiết bị tân tiến, tiết kiệm điện năng hơn; tăng cường công tác bảo dưỡng thiết bị điện để giảm tiêu hao điện năng trong quá trình sản xuất" - Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh thông tin thêm.
Tương tự, việc tăng giá điện cũng gây bất lợi cho Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (Cụm công nghiệp Đức Thọ). Là doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, mỗi tháng công ty tiêu thụ trên 800 triệu tiền điện cho dây chuyền sản xuất. Theo tính toán ban đầu, nếu giá điện tăng 4,8%, mỗi năm doanh nghiệp này phải chi thêm gần nửa tỷ đồng tiền điện.
Ông Phan Trí Nghĩa – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bao bì Sông La Xanh cho hay: "Giá điện tiếp tục tăng thực sự tạo thêm “gánh nặng” cho doanh nghiệp vì chi phí sản xuất tăng, trong khi giá sản phẩm bán ra không tăng thực sự là một “bài toán khó” cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu như chúng tôi".
Cũng theo ông Phan Trí Nghĩa, để ứng phó với việc tăng giá điện, Công ty CP Bao bì Sông La Xanh đã phải tiết giảm sử dụng các thiết bị điện, hệ thống quạt điều hòa ở những vị trí không cần thiết trong nhà máy. Về lâu dài, doanh nghiệp đang tính đến phương án lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhà để chủ động nguồn điện phục vụ dây chuyền sản xuất.
Công ty CP Bao bì Sông La Xanh đang xây dựng kế hoạch lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhà để giảm chi phí tiêu thụ điện năng.Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh (đóng tại TX Kỳ Anh, thuộc Tổng Công ty May 10) chuyên may đồ bảo hộ lao động xuất đi các nước Nhật Bản, Mỹ, khu vực EU… Là đơn vị may mặc có quy mô nhỏ nên việc tăng giá bán điện vào giai đoạn cuối năm khi nhu cầu sản xuất của đơn vị gia tăng đã tạo áp lực lên doanh nghiệp.
Ông Đặng Viết Thực – Giám đốc Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh chia sẻ: "Giai đoạn cuối năm, đơn vị đang tăng tốc sản xuất – kinh doanh để hoàn thành kế hoạch đã đặt ra. Do vậy, việc tăng giá điện giai đoạn này là thách thức lớn cho xí nghiệp khi đang phải chịu cạnh tranh lớn về mặt thị trường, giá thành sản phẩm không tăng.
Với 7 dây chuyền may, chi phí tiền điện phát sinh mỗi năm theo cách tính mới là trên 100 triệu đồng, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương, thu nhập của người lao động. Để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất, trong đó có giá điện, Xí nghiệp May 10 phải tính toán đến thắt chặt các khoản đầu tư vào chi phí để làm sao cân bằng được giá thành, đảm bảo cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực. Còn việc đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái nhà, chúng tôi chưa tính đến vì chi phí đầu tư lớn trong khi nguồn thu của đơn vị có hạn".
Theo phản ánh, mặc dù các doanh nghiệp trên địa bàn đã có dự phòng cho việc tăng giá điện nhưng vẫn khá bất ngờ trước thông tin giá bán lẻ điện tăng 4,8% giai đoạn cuối năm 2024.
Việc tăng giá điện ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người lao động tại Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh.Theo ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh: Năm nay, mặc dù nền kinh tế đã ghi nhận những dấu hiệu phục hồi song nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu như: chi phí sản xuất tăng, cạnh tranh về thị trường, đơn hàng sụt giảm, hàng tồn kho lớn… Do vậy, tình trạng tăng giá điện đột ngột như thế này sẽ khiến các doanh nghiệp trên địa bàn rất khó xoay xở.
ADVERTISEMENT
Hôm nay : 482
Tháng này : 3796
Tổng truy cập : 84546939