Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng sẽ có buổi đối thoại với các doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD.
Gửi đến hội nghị đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh sắp tới, nhiều doanh nghiệp (DN) Hà Tĩnh bày tỏ nguyện vọng được giảm thuế, phí; cải cách hành chính đi vào thực chất; nhanh chóng tiếp cận gói hỗ trợ… để “trợ sức” phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.
Theo khảo sát, đa số các DN Hà Tĩnh đều chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019 vừa mới công bố, chỉ số Tính năng động của chính quyền Hà Tĩnh có những sự thăng hạng đáng mừng. Trong đó, phân tích sâu về các yếu tố thành phần cho thấy: có 76% DN đánh giá các vướng mắc, khó khăn được tháo gỡ kịp thời qua đối thoại; 87% DN hài lòng với phản hồi/cách giải quyết của cơ quan nhà nước; 97% DN nhận được phản hồi của tỉnh sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc.
Đưa ra chỉ số này để thấy rằng, sau các phiên đối thoại, các ý kiến của DN đã cơ bản được lắng nghe, quan tâm, giải quyết. Dù triệt để hay không phụ thuộc vào mức độ phức tạp của vấn đề nhưng cộng đồng DN vẫn luôn chờ đón những hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và những “chiến sỹ trên mặt trận kinh tế”.
Các vấn đề về cải cách hành chính, thái độ của cán bộ với DN cần tiếp tục được cải thiện.
“Đi qua những ngày tháng căng thẳng chống dịch, hiện nay, các DN Hà Tĩnh rất cần sự tiếp sức của chính quyền để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi đánh giá rất cao chương trình đối thoại này vì đây là cơ hội để DN đề xuất những gì mình cần...” – Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen Nguyễn Tiến Trình cho hay.
Các vấn đề về tiếp cận vốn, tiếp cận gói hỗ trợ được Hiệp hội Vận tải đề xuất.
Nêu lên tâm tư nguyện vọng trước thềm hội nghị đối thoại, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Tĩnh mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết gói cứu trợ của Chính phủ đến sớm với DN và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn thực hiện thông tư, chỉ thị về việc hạ lãi suất, giãn nợ cho các DN. Đồng thời, hỗ trợ DN vay vốn ưu đãi để giải quyết các cấp bách khó khăn do dịch Covid-19.
“Cộng đồng các DN vận tải trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề sau dịch bệnh nên rất cần sự tiếp sức bằng tài chính để xoay vòng sản xuất” – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Tĩnh Trần Quốc Toản bày tỏ.
Tăng hạn mức vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất là kiến nghị của HTX Tân Tiến Phát (KCN Bắc Cẩm Xuyên).
Cũng chung đề xuất về vấn đề vốn vay, Giám đốc HTX Tân Tiến Phát (KCN Bắc Cẩm Xuyên) Nguyễn Thị Thạch cho rằng: Cần tăng hạn mức vốn vay ngân hàng để DN, HTX có nguồn vốn thực hiện tái cơ cấu sản xuất.
Đây là vấn đề quan trọng và có ý nghĩa sống còn, được nhiều DN, HTX quan tâm nhất hiện nay chứ không phải là việc hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, vì chúng tôi biết rằng ngân sách cũng rất hạn chế".
Các DN đề xuất hệ thống ngân hàng nới lỏng các điều kiện trong tiếp cận vốn vay.
Ngành du lịch Hà Tĩnh là một trong những lĩnh vực gần như tê liệt bởi dịch bệnh, ước tính thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng. Theo Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh, các DN thành viên cần được hỗ trợ khẩn cấp như miễn giảm và giãn nợ thuế đến cuối năm 2020; giảm lãi vay đến 5% (thậm chí 0%), giãn nợ vay ngân hàng; tạm dừng đóng các loại bảo hiểm đến cuối năm.
Đồng thời, cần có chính sách miễn giảm tiền thuê đất năm 2020 cho các DN kinh doanh dịch vụ du lịch; xem xét bổ sung nguồn kinh phí từ chính sách khuyến khích phát triển du lịch để hỗ trợ các DN kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Tập trung phát triển, tiêu thụ các sản phẩm nội tỉnh để tạo thị trường, khôi phục sản xuất.
Bên cạnh đó, các vấn đề về hỗ trợ quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường, đặc biệt là thực hiện tốt chính sách ưu tiên, hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong tỉnh; dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2020 trừ trường hợp có đơn thư khiếu nại, tố cáo… được đông đảo DN quan tâm đề xuất để khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch.
Trên cơ sở tổng hợp từ các DN, nhìn chung, các DN đề xuất tháo gỡ các khó khăn trước mắt về vốn, bảo hiểm, việc nhanh chóng triển khai tiếp cận các gói hỗ trợ từ chính sách…
“Về lâu dài, các vấn đề về tiếp cận vốn vay ngân hàng cần được xem xét, các tổ chức tín dụng “tin” DN hơn để họ có thể thuận lợi trong tiếp cận vốn vay. Đồng thời, các vấn đề tồn đọng như cải cách thủ tục hành chính về thu hút đầu tư, thái độ xử lý công việc của cán bộ công chức các cơ quan Nhà nước… nhân cơ hội này hi vọng tạo được sự thay đổi mang tính “cách mạng” Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội DN tỉnh Hoàng Trung Thông cho biết.
Theo Báo Hatinh.vn
Dự kiến, ngày 14/5 tới, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ đối thoại với các doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD. Hội nghị sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại 14 điểm cầu, gồm 1 điểm cầu tại UBND tỉnh và 13 điểm cầu tại các UBND huyện, thành phố, thị xã. Hội nghị sẽ tập trung trao đổi, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua và định hướng của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Từ đó, tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội. |
Hôm nay : 244
Tháng này : 508
Tổng truy cập : 91375546