Những điều chỉnh trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mới đây như giảm giờ làm việc tiêu chuẩn, giảm giờ làm thêm và tính tiền làm thêm lũy tiến... đang dấy lên những lo ngại trong giới doanh nghiệp về việc tăng chi phí nhân công và sẽ làm cho Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh, các nhà đầu tư sẽ bỏ đi hoặc không đến.
Doanh nghiệp lo lắng chi phí nhân sự tăng cao nếu giảm giờ làm tiêu chuẩn, giảm giờ làm thêm và tính thêm lũy tiến theo giờ. Trong ảnh: Nhân viên quầy rau tại một siêu thị. Ảnh minh họa Minh Tâm. |
Khó với nền kinh tế dựa vào sức lao động
Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi diễn ra cuối tuần trước tại TPHCM, bà Phạm Thị Hồng Yến, Giám đốc nhân sự của Intel Việt Nam, cho biết trong thực tế vận hành, doanh nghiệp cần một lao động làm việc ít nhất 60 giờ/tuần để đảm bảo công việc, bù đắp những người nghỉ phép (12 ngày/người/năm); nghỉ lễ (10 ngày/người/năm); nghỉ ốm (bình quân 10 ngày/người/năm)...
Nếu giờ làm tiêu chuẩn giảm từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ như dự thảo luật thì khoảng cách giữa quy định và thực tế càng xa, đẩy chi phí tăng lên vì phải tuyển thêm nhân sự để bổ sung. Vấn đề là hiện nay, một nhân viên mới vào làm việc phải mất tới sáu tháng đào tạo. “Giá thành không cạnh tranh thì ai đầu tư?”, bà Yến đặt câu hỏi.
Trao đổi riêng với phóng viên TBKTSG bên lề hội thảo, bà Yến chia sẻ, nếu tính trong nội bộ tập đoàn thì chi phí chung tại Việt Nam hiện gần bằng với Malaysia (trước đây thấp hơn hẳn nên có lợi thế cạnh tranh tốt hơn) và cũng chỉ còn ngưỡng “cực nhỏ” là bằng các nước khác. “Nếu giảm bốn giờ nữa thì không còn khoảng trống nào để bù đắp”, bà Yến khẳng định.
Ông Diệp Thành Kiệt, Hội Da giày TPHCM, nhận xét rằng quy định như dự thảo luật thì số giờ làm thêm, giờ làm tiêu chuẩn của Việt Nam... thấp hơn các nước trong khu vực. Theo ông, khi làm gì đó liên quan đến quan hệ nhạy cảm giữa người lao động và doanh nghiệp thì nên xem xét các nước xung quanh làm thế nào để đảm bảo cạnh tranh quốc gia. Các nhà đầu tư trực tiếp cũng như người mua hàng có thể chịu đựng một hai năm nhưng họ sẽ tính toán lại, thậm chí “chia tay” để lựa chọn những nước có chi phí nhân công rẻ hơn, thuế thấp hơn. Lúc đó, chính người lao động chịu thiệt.
Tiến sĩ Hồ Xuân Dũng, chuyên gia về lao động, nhấn mạnh nội dung ở bản dự thảo mới nhất đã thay đổi nhiều điểm so với bản trình của Chính phủ và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động doanh nghiệp và cũng chưa hẳn tốt cho người lao động. Ông Dũng phân tích, khi chuyển từ 48 giờ sang 44 giờ mà năng suất lao động không tăng thì chi phí nhân công tăng. Với một nền kinh tế phần lớn giá trị gia tăng dựa trên sức lao động thì hệ quả là sức cạnh tranh giảm.
Vấn đề là dây chuyền sản xuất thiết kế theo 48 giờ làm việc
Theo ông Dũng, với doanh nghiệp, chi phí tăng không đơn thuần ở câu chuyện 48 giờ, 44 giờ mà còn dắt díu nhiều vấn đề. Doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất theo 48 giờ, nếu giảm giờ làm thì sẽ vẫn phải giữ sản xuất như vậy. Bốn tiếng giảm sẽ trở thành giờ làm thêm.
Trong khi đó, dự thảo luật đề xuất thêm phương án trả lương làm thêm lũy tiến theo giờ (hai giờ đầu tiên, giờ thứ ba, giờ thứ tư của các ngày thường, ngày nghỉ, ngày lễ). Nếu vậy, số tiền lương doanh nghiệp phải trả cho việc làm thêm rất cao, như làm thêm vào ngày lễ đến giờ thứ 4 phải trả tới 360% so với làm việc trong giờ vào ngày bình thường.
Ông Kiệt thì cho rằng, mục đích của việc sửa đổi luật là mong tốt hơn cho người lao động. Nhưng, sửa đến độ doanh nghiệp không thể nuôi nổi, các ông chủ ngừng kinh doanh, bỏ tiền vào ngân hàng cho an toàn thì lúc đó, chính người lao động lãnh đủ.
Lấy ví dụ câu chuyện giảm giờ làm tiêu chuẩn xuống 44 giờ. Nếu áp dụng theo đề xuất này thì người lao động là người chịu thiệt thòi ngay. Bởi lẽ, với những người nhận lương theo sản phẩm thì số giờ làm này chưa chắc đảm bảo thu nhập như cũ, như mong muốn của người đề xuất. Còn nếu tính lương theo giờ làm thì chắc chắn thu nhập sẽ giảm.
“Lâu nay, người lao động đi làm, trông chờ vào thưởng Tết. Đây là khoản không bắt buộc. Nếu doanh nghiệp không trả thì ai chịu thiệt. Khi đề xuất cần cân nhắc để doanh nghiệp còn có điều kiện để thể hiện tính nhân văn”, ông Kiệt nói.
Với chuyện trả lương làm thêm lũy tiến, cách tính đang áp dụng hiện nay là ngày thường, ngày nghỉ và ngày lễ mức lương lần lượt là 150% - 200% và 300%. Điều này vốn đã được cân nhắc khi thông qua Bộ luật Lao động năm 2012. Nay, trong dự thảo lại đề xuất chẻ ra theo giờ, sẽ làm cho việc tính toán trở nên rất phức tạp.
Bà Trần Thị Hạ Bình, đại diện một doanh nghiệp ở Bình Dương, phân tích phương án tính tiền làm thêm lũy tiến theo giờ có thể mở ra cơ hội tăng thu nhập cho người lao động. Nhưng, khi chi phí lao động tăng thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc kỹ hơn về những khoản khác như du lịch, tiền thưởng.
Ông Huỳnh Quang Thanh, đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (Bifa), đánh giá luật đang xây dựng theo hướng một ngày một khó hơn cho doanh nghiệp. Những ấn định về giờ làm thêm, giờ làm tiêu chuẩn là tự làm khó doanh nghiệp trong nước. Trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, nếu đối tác nước ngoài kiểm tra và thấy doanh nghiệp không tuân thủ theo các quy định hiện hành thì sẽ cắt hợp đồng.
Nên hoãn thông qua?
Ông Thanh cho rằng nếu những đề xuất còn gây tranh cãi quá thì nên hoãn việc thông qua luật để nghiên cứu thêm. “Mắc mớ gì bắt làm những gì không thể thực hiện được”, ông Thanh nói thẳng thắn.
Ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết các dự thảo trước đã được công khai trước khi trình Chính phủ, nhưng khi Chính phủ trình và được thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phát sinh nhiều nội dung mới, như giảm giờ làm tiêu chuẩn từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần hay trả lương lũy tiến theo giờ.
Đến nay dự thảo đang ở “sân” của Quốc hội nên ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hay doanh nghiệp cũng chỉ là một phía. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến là nếu còn quá nhiều quan điểm khác nhau thì cần lắng nghe thêm và không nên thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới.
Minh Tâm
Hôm nay : 0
Tháng này : 29651
Tổng truy cập : 87880309