Năm 2011, Viet Group góp vốn với Công ty cổ phần Ô tô xe máy Hà Nội triển khai Dự án nhà ở xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), song tới nay, dự án chưa được cấp phép triển khai, khoản góp vốn chưa đòi được.
Những năm 2010, 2011, giai đoạn thời điểm thị trường bất động sản phát triển sôi động, CTCP Ô tô xe máy Hà Nội cũng rục rịch đầu tư vào mảng kinh doanh này. Công ty có ý định chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 6.000 m2 đất ở khu vực Cầu Nổi, xã Vân Canh, huyện Hoài Ðức thành đất ở để xây dựng dự án nhà ở.
Ðây vốn là đất công nghiệp, thuê trả tiền hàng năm, được UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP. Hà Nội) giao cho Công ty từ năm 2003 để triển khai dự án đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị.
Năm 2011, Công ty đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Viet Group (ở Hà Nội).
Hai bên thỏa thuận, Công ty cổ phần Ô tô xe máy Hà Nội góp 60% vốn (tương đương với hơn 6.000 m2 đất), Viet Group góp 40% vốn bằng tiền mặt (31 tỷ đồng).
Sau đó, các bên ký phụ lục hợp đồng. Khi các bên đặt bút ký thỏa thuận, khu đất trên chưa được cơ quan chức năng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Cũng theo thỏa thuận, sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý triển khai dự án, các bên sẽ thành lập một pháp nhân mới.
Khi cơ quan chức năng có văn bản chấp thuận thì Công ty cổ phần Ô tô xe máy Hà Nội sẽ chuyển nhượng diện tích đất trên cho pháp nhân mới và Viet Group sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại là 11 tỷ đồng để hoàn tất việc góp vốn.
Sau khi ký thỏa thuận, Công ty Viet Group đã chuyển số tiền 20 tỷ đồng vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Dung (đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Ô tô xe máy Hà Nội).
Năm 2013, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội đã có quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị S3, tỷ lệ 1:5000; trong đó có diện tích đất của Công ty cổ phần Ô tô xe máy Hà Nội.
Sở Tài nguyên Môi trường huyện Hoài Ðức cũng hướng dẫn Công ty lập hồ sơ làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên, trong thời gian này, Công ty Viet Group có đơn thư gửi cơ quan chức năng có nội dung tố cáo Công ty cổ phần Ô tô xe máy Hà Nội lừa đảo. Cơ quan điều tra vào cuộc xác định không có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công ty Viet Group đã khởi kiện, đề nghị tòa án tuyên vô hiệu thỏa thuận, buộc Công ty cổ phần Ô tô xe máy Hà Nội trả lại tiền gốc và lãi là 43 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm buộc Công ty cổ phần Ô tô xe máy Hà Nội phải thanh toán tiền gốc là 20 tỷ đồng và lãi.
Sau đó, các bên kháng cáo, Viện Kiểm sát nhân dân cũng kháng nghị. Vừa qua, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
Tòa án đã quyết định hủy bản án sơ thẩm với lý do tòa sơ thẩm áp dụng không đúng quy định pháp luật.
Luật Ðất đai 2013 quy định, đất thuê trả tiền hàng năm không được góp vốn hoặc chuyển nhượng, do đó, các giao dịch trên bị vô hiệu.
Tòa sơ thẩm chưa làm rõ thỏa thuận là góp vốn đầu tư, hay thành lập doanh nghiệp, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đúng.
Còn căn cứ vào Luật Doanh nghiệp, thực chất đây là hợp đồng góp vốn, song các thỏa thuận không nêu rõ số tiền góp vốn thuộc phần vốn góp của Công ty cổ phần Ô tô xe máy Hà Nội hay pháp nhân mới.
Mặt khác, Công ty Viet Group chuyển khoản số tiền 20 tỷ đồng vào tài khoản của cá nhân bà Nguyễn Thị Dung là trái quy định của Luật Doanh nghiệp.
Bà Dung đã sử dụng số tiền này vào hoạt động của Công ty cổ phần Ô tô xe máy Hà Nội, dẫn đến không thể thành lập pháp nhân mới, vì vậy, cần làm rõ ý thức của các bên để xác định lỗi.
Thực tế, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất không phải là câu chuyện mới, đặc biệt là bất động sản ngoại thành và thường để lại hệ quả nhất định.
Bởi lẽ, với tùy loại hình đất trả tiền hàng năm hay trả tiền một lần thì pháp luật có quy định rất chặt chẽ.
Ðể chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì thủ tục chuyển đổi, cấp phép, chờ quy hoạch phải mất rất nhiều năm, khiến các bên có thể không tin tưởng hoặc quyết tâm theo đuổi dự án.
Hoặc khi dự án được triển khai, doanh nghiệp lại thiếu vốn cũng dẫn đến hệ quả dự án bị chậm trễ kéo dài, các bên xảy ra xung đột, mâu thuẫn và không tìm được tiếng nói chung để giải quyết.
Ðơn cử như trong vụ việc này, các bên cũng có những buổi hòa giải song Công ty cổ phần Ô tô xe máy Hà Nội không đồng ý với yêu cầu đòi lãi đến 23 tỷ đồng.
Công ty cũng cho rằng, việc Công ty Viet Group gửi đơn thư ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của họ.
Hôm nay : 12
Tháng này : 4645
Tổng truy cập : 92210593