VietTimes -- Những ngày vừa qua, thông tin về việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về tính minh bạch trong lựa chọn sách giáo khoa (SGK). Để thông tin rõ hơn cho bạn đọc về vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS. TS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
GS. TS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
+ Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, trong đó có các lãnh đạo của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
- Tôi không đồng tình với việc các lãnh đạo, cán bộ của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh “nhảy” vào làm SGK. Bởi trong quá trình biên soạn sách sẽ có từng nhóm tác giả. Nhóm tác giả này do nơi nào đứng ra tổ chức thì nơi đó chi tiền.
Nhóm tác giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có thể mời những chuyên gia viết sách để thực hiện bộ sách và chi thù lao cho họ chứ không phải chi thù lao cho các lãnh đạo của Sở GD&ĐT. Bởi các lãnh đạo của Sở GD&ĐT không có chức năng, nhiệm vụ biên soạn SGK để được nhận thù lao hàng tháng.
Tôi không hiểu lý do vì sao Sở GD&ĐT lại nhận tiền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sắp tới UBND các tỉnh sẽ chọn SGK được sử dụng trong năm học 2020-2021. Nếu địa phương đứng ra chọn sách thì cũng phải đề xuất ý kiến lên Sở GD&ĐT để quyết định. Nếu Sở GD&ĐT có quyền chọn SGK sau khi nhận thù lao hàng tháng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sẽ gây ra rất nhiều nghi ngờ cũng như bức xúc trong dư luận.
Bởi sẽ có những bộ sách khác hay hơn nhưng không được chọn chỉ vì Sở GD&ĐT đã nhận thù lao của Nhà xuất bản.
GS. TS. Phạm Tất Dong |
+ Khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT như vậy, liệu việc lựa chọn SGK có còn công bằng, chính xác đươck không, thưa ông?
- Theo tôi biết, đến năm 2018 Bộ GD&ĐT mới chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông mới gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Thế nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bắt đầu thành lập Ban biên soạn bộ SGK miền Nam và chi thù lao từ năm 2015.
Thông thường, có chương trình thì mới bắt đầu viết sách. Nếu chương trình chưa công bố thì không có căn cứ để viết sách cũng như thành lập Ban biên soạn SGK.
Vì thế, nếu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh trước khi chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố, trước khi viết sách thì số tiền ấy được sử dụng để làm gì? Đó là điều mà tôi cũng như tất cả người dân đang thắc mắc và cần câu trả lời từ Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh.
Sách giáo khoa |
+ Có ý kiến cho rằng, giữa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh có sự “thông đồng” với nhau khi thành lập Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh và chi tiền hàng tháng từ năm 2015. Ông suy nghĩ thế nào về ý kiến này?
- Tôi cho rằng, nếu thực hiện đúng yêu cầu của Quốc hội thì Bộ GD&ĐT phải có một bộ SGK riêng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Bộ GD&ĐT đã vay 16 triệu USD từ ngân hàng thế giới nhưng bộ sách lại không thực hiện được.
Khi Bộ GD&ĐT không có bộ sách riêng thì mới chuyển cho các nhà xuất bản thực hiện biên soạn sách, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK.
Từ năm 2015, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã “phục kích”, tiến hành chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh. Nếu TP. Hồ Chí Minh không giải trình được việc này tức là đã có sự thông đồng với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để sử dụng bộ SGK của nhà xuất bản này trong năm học tới.
+ Hiện nhiều phụ huynh đang rất lo lắng về SGK mà con mình sẽ sử dụng trong năm học tới sau khi thông tin về việc Nhà xuất bản chi tiền cho lãnh đạo Sở GD&ĐT. Ông có thể đưa ra lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh trong thời điểm này?
- Đến thời điểm hiện tại, tôi không hiểu được cách quản lý của Nhà nước về vấn đề này là thế nào. Vì thế, các bậc phụ huynh đang rất lo lắng về con mình sẽ dùng sách gì.
Nếu tôi là phụ huynh học sinh, tôi cho rằng Bộ GD&ĐT phải làm thế nào chọn được bộ sách hay nhất, khoa học nhất, có ý nghĩa, có tính dân tộc để học sinh học. Nếu Bộ GD&ĐT không công tâm, khách quan, minh bạch thì sẽ không lựa chọn những bộ SGK có chất lượng và vì lợi ích của học sinh cũng như toàn ngành giáo dục.
Hôm nay : 20
Tháng này : 4658
Tổng truy cập : 92223879