Bộ Y tế: Cả nước cho học sinh nghỉ học là “hơi mạnh quá”. Bộ GD&ĐT: Xem xét cho học sinh đi học trở lại từ ngày 2-3.
Ngày 20-2, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng hai bộ GD&ĐT và LĐ-TB&XH kiến nghị về việc học cho học sinh, sinh viên (HS, SV) trong cả nước đến hết tháng 3 và điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020.
Trong ngày 21-2, lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã bày tỏ quan điểm xung quanh vấn đề này.
Chỉ cần đóng cửa trường ở những nơi có dịch
Báo cáo tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 2, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 21-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng việc áp dụng biện pháp cho HS nghỉ học để phòng dịch COVID-19, ở góc độ chuyên môn y tế là “hơi mạnh quá”.
Bởi theo ông Long, chỉ cần đóng cửa trường học ở những nơi có dịch, đợi hết thì mở trở lại. Chứ còn địa phương không có dịch, cho các em nghỉ chủ yếu để an dân thôi.
Về tình hình dịch bệnh COVID-19, thứ trưởng Bộ Y tế cho hay tới thời điểm hiện tại, Việt Nam tự tin có thể làm xét nghiệm phát hiện virus COVID-19 và “có thể điều trị được cho các bệnh nhân ngay tại bệnh viện tuyến huyện”.
Cũng theo ông Long, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 rất mạnh và hiệu quả. Việt Nam đã triển khai ngay việc hạn chế và tiến tới không cho những người đi qua vùng dịch, đến từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam. Đây là việc cực kỳ quan trọng vì nếu không một lượng lớn người vào Việt Nam mà không biết ai bị bệnh, ai không thì dịch bệnh rất dễ lây lan, khó kiểm soát.
Hiện nay, các chuyến bay đến 31 tỉnh, thành phố có dịch của Trung Quốc đều dừng. Tất cả đường mòn dọc biên giới với Trung Quốc cũng đều đóng, 3.000 chiến sĩ biên phòng chốt giữ, báo cáo 2 giờ/lần.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết trong thời gian qua, có nhiều biện pháp “chưa từng có tiền lệ” đã được áp dụng. Chẳng hạn, coi bất cứ ai từng đi qua hoặc đến từ Hồ Bắc đều là bệnh nhân, đưa vào bệnh viện cách ly. Vừa rồi 60 công dân ta đưa vào quản lý trong bệnh viện là như vậy. Rồi huy động cả hệ thống chính trị, cảnh báo tới toàn dân thì hồi dịch SARS cũng chưa làm, trong khi lần này thì triển khai ngay từ đầu. Việc huy động quân đội vào cuộc, tổ chức sân bay riêng như Vân Đồn để đón người về từ vùng dịch… cũng là lần đầu tiên và làm rất sớm. Nhiều nước sau đó mới triển khai.
“Tóm lại, đến giờ có thể khẳng định rằng chúng ta tự tin trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh này” - thứ trưởng nhấn mạnh.
Kiểm soát lao động Trung Quốc sang Việt Nam. Ảnh: ĐỖ HOÀNG
Xem xét cho học sinh trở lại trường từ 2-3
Tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đánh giá việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc COVID-19, ngày 21-2, vấn đề khi nào cho HS đi học trở lại được nhiều ý kiến quan tâm.
Theo đó, hiện các địa phương đang có ý kiến khác nhau, đa số các tỉnh, TP trực thuộc trung ương muốn cho HS, SV đi học trở lại vào đầu tháng 3, riêng TP.HCM đề nghị cho HS nghỉ hết tháng 3.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết thời gian qua các trường học đã tiến hành các biện pháp phòng dịch cần thiết, tiêu trùng khử độc nhiều lần, Bộ cũng phối hợp với bộ Y tế xây dựng các quy trình kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo người học đến trường an toàn…
Ông Độ nhấn mạnh theo quy định, chỉ địa phương có dịch mới được cho HS, SV nghỉ học. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học thì sẽ rất khó khăn thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo. Bộ đang xem xét phương án cho HS, SV đi học trở lại từ ngày 2-3 tới.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng tình với đề xuất cho HS đi học trở lại vào đầu tháng 3. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng đối với các trường hợp như HS THPT, các cháu đã lớn, có ý thức và tự chăm sóc được bản thân thì có thể tổ chức cho đi học trở lại ngay tuần tới để tránh ảnh hưởng tới việc học tập, thi cử.
Dù dịch bệnh ở nước ngoài còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường nhưng Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình và không chủ quan, tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ về dịch tễ, không lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Việt Nam cách ly, theo dõi hơn 7.100 lao động Trung Quốc Bộ LĐ-TB&XH vừa có thống kê về tình hình phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, tính đến 16 giờ ngày 20-2, cả nước có 34.423 lao động Trung Quốc. Trong đó, dịp tết vừa qua có 26.904 người về quê và 7.791 trở lại Việt Nam sau tết. Để phòng dịch COVID-19, hiện 55 tỉnh đang cách ly, theo dõi 7.155 lao động Trung Quốc. Trong đó có bốn ca nghi nhiễm. “Các trường hợp nghi nhiễm đều được địa phương cách ly tại các cơ sở y tế, khu vực nhà nghỉ dành cho người lao động, chuyên gia nước ngoài của doanh nghiệp…” - Bộ LĐ-TB&XH thông tin. Đối với các tỉnh, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu cần tiếp tục rà soát, kiểm soát số lượng lao động Trung Quốc, khuyến cáo lao động Trung Quốc về quê dịp tết chưa nên quay trở lại Việt Nam làm việc hoặc quay trở lại phải cách ly 14 ngày theo quy định của ngành y tế. “Bên cạnh đó, tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch bệnh...” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay. VIÊT LONG Học sinh Hà Nội sẽ đi học lại từ ngày 2-3 Chiều 21-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Trước đề xuất của Sở GD&ĐT, ông Chung lưu ý Hà Nội không phải là vùng có dịch, tuy nhiên mục tiêu số một vẫn phải là “đảm bảo sức khỏe cho HS trên địa bàn, không để lây nhiễm chéo”. Ông gút lại: “Qua kiểm tra cơ sở vật chất, nguyện vọng của đại bộ phận giáo viên, phụ huynh HS, quyết định SV, HS trên địa bàn TP đi học trở lại từ ngày 2-3”. |
NHÓM PHÓNG VIÊN
Hôm nay : 2779
Tháng này : 32430
Tổng truy cập : 88001985