PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Đây là dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). PCI được xem là “tiếng nói” quan trọng của các doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh địa phương; là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh phân cấp từ Trung ương xuống cấp tỉnh tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ.
Nhìn chung tổng thể PCI 2018 là một bức tranh có nhiều khởi sắc, đã có những cải thiện đáng kể so với những năm trước đây. Là một trong những điển hình cho sự cải thiện đó: Hà Tĩnh tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng PCI năm 2018, từ vị trí 33/63 năm 2017, năm 2018, xếp thứ 23/63 tỉnh thành. Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Bốn năm liên tiếp (từ năm 2015 đến 2018), chỉ số PCI của Hà Tĩnh đã cải thiện rõ rệt. Cụ thể thừ năm 2015, Hà Tĩnh xếp thứ 45/63 tỉnh thành thì đến năm 2018, Hà Tĩnh xếp thứ 23/63. Những cải cách thực chất, có ý nghĩa thực tế sẽ mang lại tác động tốt; các DN cảm nhận được điều đó và đánh giá sự hài lòng hơn các năm trước là điều tất yếu.
Tuy vậy, theo ý kiến của các doanh nghiệp, bức tranh tổng thể về môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại. Trong đó, chi phí không chính thức giảm chứ chưa phải cải thiện triệt để; việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn; tiếp cận đất đai mặt bằng SX còn khó, thời gian giải quyết thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của DN, chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao...
Qua nghiên cứu kết quả PCI Hà Tĩnh 2018 chúng tôi thấy một số vấn đề cần quan tâm:
1. Cạnh tranh bình đẳng: Trong cùng một sân chơi việc tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như: mặt bằng SXKD, các khoản vay ưu đãi, cấp phép khai thác khoáng sản, đấu thầu, tiếp cận quy hoạch, việc làm v.v...) các Doanh nghiệp cần được đối xử bình đẳng.
Tuy vây, Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, năm năm gần đây (2013 - 2017) Hà Tĩnh luôn thấp điểm xếp vào tốp cuối cả nước (63/63); năm nay đã được cải thiện tăng 4 bậc (57/63) đó là tín hiệu đã có chuyển biến song vẫn ở tốp cuối cả nước.
Các DN đánh giá:
- Nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai...) chủ yếu rơi vào DN thân quen CBCQ: 75%.
- Ưu đãi DN lớn (nhà nước và tư nhân) là trở ngại cho bản thân DN nhỏ (% Đồng ý): 73%.
2. Chi phí thời gian
Cải cách thủ tục hành chính được ghi nhận ở rất nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp đều cảm nhận được các thủ tục hành chính với các cơ quan chính quyền đang có chiều hướng thuận lợi, ngắn gọn hơn. Điều đó thể hiện 3 năm gần đây Chỉ số thời gian liên tục được nâng bậc (2016 xếp thứ 59/63, 2017 xếp thứ 57/63 và năm nay: xếp thứ 41/63).
Song doanh nghiệp phản ánh một số thủ tục tuy có quy trình, quy định rõ nhưng liên quan nhiều ngành mà ở đó sự phối hợp chưa tốt nên DN phải mất nhiều thời gian chờ đợi; đâu đó vẫn còn sự thiếu nhiệt tình hoặc năng lực cán bộ chưa đáp ứng được công việc DN cần giải quyết kịp thời. Một số lý do khách quan như: Quy định cứng về thời gian trả hồ sơ, hồ sơ quá tải ở đơn vị chuyên môn không xử lý kịp, lãnh đạo họp nhiều không có thời gian xử lý, ký duyệt hồ sơ v.v... đã làm doanh nghiệp, người dân phải chờ đợi.
3. Tính năng động của chính quyền cấp tỉnh: là tiêu chí đánh giá khả năng quản lý điều hành của chính quyền trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Đây là chỉ số rất quan trọng, nó đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách của Trung ương cũng như đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi “chưa rõ ràng” của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời với sự tăng, giảm của chỉ số này sẽ có tác động trực tiếp, kéo theo sự tăng, giảm của các chỉ số khác.
Tuy vậy qua phân tích kết quả đánh giá của DN thì có sự thiếu đồng bộ, thực hiện triệt để của các sở ngành, huyện thị đối với các chủ trương, sáng kiến của cấp tỉnh. Ví dụ:
- UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân (%): 76.
- UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh (%): 58.
- Thái độ của chính quyền tỉnh với khu vực KTTN là tích cực (%): 53.
- Có sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở/ngành (%): 78%.
- Lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng, nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện /thị: 66%.
- Khi chính sách, pháp luật, Trung ương có điểm chưa rõ, cơ quan tỉnh thường “đợi xin ý kiến chỉ đạo” hoặc không: 38%.
- Vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời qua Đối thoại DN (%): 64.
- DN nhận được phản hồi của cơ quan nhà nước tỉnh sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc (%): 83.
- Tỷ lệ DN hài lòng với phản hồi/cách giải quyết của cơ quan nhà nước tỉnh (%): 63.
4. Chi phí không chính thức (CPKCT): Năm 2016 Hà Tĩnh xếp thứ 59/63; năm 2017 tăng được 13 bậc xếp thứ 46/63, năm nay tuy điểm số tăng nhưng lại tụt hạng 49/63. Điều đó thể hiện doanh nghiệp, người dân vẫn phải lót tay để được giải quyết công việc có xu hướng tăng trở lại.
Các Doanh nghiệp khi được hỏi đánh giá:
- Các DN cùng ngành thường phải trả thêm các khoản CPKCT: 52% đồng ý.
- Công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi trả CPKCT: 61% đồng ý.
- Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC cho DN là phổ biến: 58% đồng ý.
- Các khoản CPKCT ở mức chấp nhận được: 81% đồng ý.
- Tỷ lệ DN có chi trả CPKCT cho cán bộ thanh, kiểm tra: 41 (%) đồng ý.
- Tỷ lệ DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại CPKCT (%): 8.
- Tỷ lệ DN có chi trả CPKCT trong thực hiện TTHC đất đai: 48% đồng ý.
- Chi trả CPKCT là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu: 62% đồng ý.
- DN lo ngại tình trạng “chạy án” là phổ biến: 27% đồng ý.
5. Thanh tra, kiểm tra
Giữa năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Năm 2018 Thủ tướng lại ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg năm 2018; Chỉ thị này nêu rõ, việc kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện trong trường hợp thật sự cần thiết và phải có quyết định của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền.
Việc Thủ tướng quy định chỉ được thanh, kiểm tra doanh nghiệp mỗi năm một lần được cho là sẽ giúp các doanh nghiệp “dễ thở” hơn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Theo khảo sát của Hiệp hội trước đó, không ít doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra 6 - 7 lần/năm; doanh nghiệp vẫn băn khoăn không thể phủ nhận quy định chỉ kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Thủ tướng và Chính phủ trong việc tạo đà cho doanh nghiệp phát triển, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn nhiều băn khoăn xoay quanh quy định này. Cụ thể, doanh nghiệp đặt câu hỏi: Có phải 1 năm tất cả cơ quan, ban, ngành chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần không? Hay mỗi lĩnh vực riêng biệt (như thuế, hải quan, lao động, bảo hiểm...) thì được thanh tra hoặc kiểm tra quá 1 lần/năm? Hay tất cả lĩnh vực thì không được thanh tra quá 1 lần/năm và kiểm tra quá 1 lần/năm... Những thắc mắc của các doanh nghiệp về quy định nêu trên vẫn chưa có lời giải đáp. Cũng theo tinh thần của Chỉ thị 20/CT-TTg, trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan thanh tra, kiểm tra chỉ được ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Những vấn đề nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp. Để năm 2019 và những năm tiếp theo, PCI Hà Tĩnh sẽ không dừng lại ở nhóm khá, Hà Tĩnh cần tiếp tục hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; cải cách thủ tục hành chính, cần khắc phục các chỉ số thành phần còn thấp điểm của PCI như cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức, tính minh bạch, năng động của lãnh đạo tỉnh.
Hoàng Trung Thông
Hôm nay : 10152
Tháng này : 39846
Tổng truy cập : 88093169