- Trong vài lời mở đầu ngắn ngủi cho tập ghi chép “Góp nhặt gần xa” (Nxb Hội Nhà văn, 2012), ông Nguyễn Ký đã trích mấy câu thơ như để nói hộ đời mình: Đời tôi như đứa trẻ nghèo/Nhặt gom may được ít nhiều hương hoa/Mai rồi tôi sẽ đi xa/Chút thơm gửi lại gọi là… tôi yêu! Một sáng chớm hè, sau bài tập thể dục buổi sáng như thường lệ, ông đã thanh thản ra đi, để lại niềm tiếc thương, một khoảng trời trống vắng…
Ông Nguyễn Ký (ngoài cùng bên phải) cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt khảo sát Cảng Vũng Áng (Ảnh tư liệu)
Ông sinh năm Canh Thìn (1940) trong một gia đình nghèo, ở một vùng quê cũng thuộc loại nghèo nhất nước, thôn Đồng Tiến, xã Kỳ Khang, Kỳ Anh. May mắn vượt qua nạn đói Ất Dậu, lớn lên cùng chín năm trường kỳ kháng Pháp, cũng như lứa thiếu niên thời đó ở nông thôn Hà Tĩnh, ông hăm hở góp nhặt được ít nhiều tri thức ở trường làng, tham gia hoạt động đoàn đội, và tuần tự vừa học thêm, vừa được trưởng thành. Từ Bí thư Đoàn xã, Bí thư Đảng uỷ, trải qua nhiều công việc, vượt qua nhiều cuộc sinh tử vì pháo kích từ biển vào, bom ném từ trời cao xuống, đất Kỳ Anh “tuyến lửa” như bị chà đi xát lại, ông được đề bạt làm Chủ tịch UBND huyện đúng vào những năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những năm đầu hợp nhất tỉnh, theo yêu cầu của tổ chức, ông đành phải xa gia đình, ra công tác tại ngành Nông nghiệp và Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh. Không nản chí, ông đã tranh thủ thời gian này vừa hoàn thành công việc, vừa học tập, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng quản lý. Năm 1987, ông lại được phân công về làm Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh, tham gia cấp uỷ tỉnh (Tỉnh uỷ viên); năm 1990 được đề bạt làm Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, phụ trách khối nông nghiệp. Ngày 1/9/1991, tỉnh Hà Tĩnh được tái lập, ông được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh.
Những năm đầu tái lập, Hà Tĩnh ngổn ngang bao khó khăn, thách thức. Nguồn thu của 4 tháng cuối năm đầu chia tách chỉ vỏn vẹn 18 tỷ đồng, trong khi hệ thống hạ tầng hầu như chưa có gì, hầu hết các cơ quan không có trụ sở làm việc và các trang thiết bị cần thiết; nhiều “điểm nóng” về an ninh trật tự còn giải quyết dang dở, đầy tiếm ẩn phức tạp; sản xuất – kinh doanh hết sức nhỏ bé, phân tán; đời sống nhân dân rất khó khăn; lại thêm tai ương “cháy chợ, sập cầu”…
“Ông Nguyễn Ký vốn giản dị, chân thành...”
Những ai từng lăn lộn, chứng kiến cảnh “khi đi trống giục cờ bay – ngày về phố xá đồng lầy cỏ hoang” lúc đó có lẽ mới thấm hiểu hơn những vất vả, lo toan, những hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ chủ chốt những năm đầu chia tách: vừa ổn định bộ máy, vừa hình thành nên các quy hoạch, chiến lược phát triển; vừa chỉ đạo phát triển sản xuất, vừa phải lo toan giải quyết bao khó khăn, vướng mắc, lo từ cái ăn, cái mặc cho người dân đến từng tháng lương của đội ngũ cán bộ… Đó cũng là thời kỳ đầu đổi mới của đất nước, mâu thuẫn phát sinh thường xuyên giữa tư duy, lề lối làm ăn cũ với những nhận thức mới về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thay đổi hẳn cả một thói quen, tập quán làm ăn, sinh hoạt đã hằn sâu bao đời trong cả đội ngũ cán bộ và người dân cũng là điều không dễ, trong khi hệ thống thể chế đang hết sức bất cập, mâu thuẫn… Những năm tháng đó, ông đã cùng tập thể lãnh đạo tỉnh hầu như quên ăn quên ngủ, bươn chải khắp nơi, tìm hướng đi cho từng ngành nghề, địa phương, đặt nền móng cả về vật chất và tư duy, nhận thức, cũng như khát vọng vươn lên của mảnh đất nghèo Hà Tĩnh.
Năm 1996, ông lại phải xa quê, ra công tác tại Văn phòng Chính phủ, làm Tổ phó Tổ chuyên gia cải cách hành chính cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt, rồi làm Phó ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải. Nhiều người đã nghĩ ông sẽ phải “an phận thủ thường” ở một môi trường công tác hoàn toàn mới lạ. Nhưng rồi ông lại nỗ lực vươn lên, tự học thêm ngoại ngữ, công nghệ thông tin, hấp thụ thêm nhiều tri thức, kỹ năng mới, quy tụ, tập hợp đội ngũ những chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực, đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho nhiều chính sách, quyết sách mới của đất nước.
Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, tặng ông Huân chương Độc Lập cao quý. Ông Trần Việt Phương, một chuyên gia tài danh, người đã nhiều năm cùng cộng sự ở Hà Nội từng nhận xét: “Anh Nguyễn Ký rất giản dị, chân thành, không cần phải trí tuệ uyên bác và sáng tạo cao siêu, mà hồn nhiên như sẵn có lý tưởng tốt đẹp, triết lý nhân văn, tư duy cởi mở, tâm tình nhạy cảm, phương pháp thực tế, nhân cách sáng trong”…
Tác phẩm của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ký chia sẻ những bài học quý của đông tây kim cổ, vừa suy ngẫm tâm huyết với nhiều vấn đề phát triển của đất nước, quê hương
Từ năm 2004, ông được nghỉ hưu, lại kiên trì đi, đọc và viết không ngừng nghỉ. Ngoài 4 đầu sách chuyên đề đã xuất bản trong thời gian công tác, ông đã liên tục xuất bản 2 cuốn tạp văn – Góp nhặt gần xa (2012), Góp nhặt rông dài (2019), vừa lượm lặt, sưu tầm, chia sẻ những bài học quý của đông tây kim cổ, vừa suy ngẫm tâm huyết với nhiều vấn đề phát triển của đất nước, quê hương, vừa khắc hoạ lại chân dung của nhiều trí thức, đồng chí, bầu bạn tâm giao.
Nghe hung tin ông đột ngột ra đi, rất nhiều người đã bày tỏ niềm tiếc thương, luyến nhớ từ tận đáy lòng mình. Một con người giản dị, khiêm nhường nhưng luôn nỗ lực, sáng tạo vươn lên trong mọi hoàn cảnh, tận hiến trí tuệ, tâm huyết cho đất nước, quê hương, để lại cho đời những di sản không chỉ là “góp nhặt”, mà còn là sự sẻ chia, truyền lửa cho nhiều người, nhiều thế hệ.
Sống được như thế, rồi ra đi cũng nhẹ nhàng, không luỵ phiền ai…
Đêm 21/4/2020
Võ Hồng Hải
Hôm nay : 0
Tháng này : 3298
Tổng truy cập : 84389633