Tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 sáng 30/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết giai đoạn 2016-2019, hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta (theo đánh giá của quốc tế) liên tục cải thiện về điểm số (thể hiện chất lượng) và thứ hạng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cụ thể, năm 2019, năng lực cạnh tranh 4.0 cải thiện với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc so với năm 2018 (hiện đứng thứ 67).
Chỉ số môi trường kinh doanh liên tục tăng điểm, thể hiện cải cách có hiệu quả và chất lượng được cải thiện rõ rệt. Năm 2017, môi trường kinh doanh được ghi nhận có sự cải cách vượt bậc, tăng 14 bậc từ thứ 82 lên thứ 68. Tuy nhiên, từ năm 2018, 2019 điểm số chất lượng môi trường kinh doanh tăng về tuyệt đối, nhưng mỗi năm lại giảm một bậc thứ hạng (hiện đứng thứ 70), thể hiện chúng ta cần phải có những đột phát mới thì mới tiếp tục tăng về thứ hạng.
“Các quốc gia đều cải cách và chúng ta phải đi nhanh hơn, có chỉ số dù chúng ta đã nỗ lực cải thiện thứ bậc nhưng vẫn đứng dưới thứ hạng 100 như Khởi sự kinh doanh, Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội, dịch vụ xuyên biên giới”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 tăng 3 bậc (từ thứ 45 lên thứ 42), Việt Nam xếp đầu trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp. Đặc biệt chỉ số liên quan đến năng lực đội ngũ trí thức, Việt Nam xếp thứ 27.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch (xếp hạng 2 năm một lần) liên tục tăng điểm và tăng hạng. Năm 2019, chỉ số này tăng 0,3 điểm và 12 bậc so với năm 2015 (thứ 75 lên thứ 63) với 11/14 trụ cột tăng bậc. Điều này thể hiện qua kết quả hơn 18 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019.
Chỉ số Hiệu quả logistics (xếp hạng 2 năm một lần) trong năm 2018 tăng mạnh (25 bậc), từ thứ hạng 64 lên thứ 39 với 6/6 chỉ tiêu cải thiện vượt trội. Đáng chú ý là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào theo dõi và truy xuất lô hàng giúp chỉ tiêu này tăng 41 bậc (từ thứ 75/160 lên thứ 34/160); hiệu quả thông quan tăng 23 bậc (từ thứ 64 lên thứ 41). Tuy vậy, chi phí cao vẫn là trở ngại lớn của ngành logistics.
Chỉ số Chính phủ điện tử (công bố vào năm 2020) nhưng năm 2019, những chỉ số liên quan đều cho thấy những bước tiến bộ đáng mừng, ví dụ xếp hạng an toàn thông tin của Việt Nam tăng 50 bậc, lên vị trí thứ 50 (từ vị trí 100 năm 2017).
So sánh bảng xếp hạng nêu trên với xếp hạn thu nhập bình quân theo đầu người cho thấy thứ hạng chỉ số của Việt Nam tốt hơn rất nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp trong nước, theo kết quả điều tra 10.000 doanh nghiệp hàng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức năm 2016 là 66% thì năm 2019 giảm còn 55%. Tỉ lệ doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức năm 2016 là 11% thì năm 2019 giảm còn 7%.
Tỉ lệ doanh nghiệp trả lời cần có chi phí “lót tay” (đối với thủ tục hành chính giản đơn) năm 2019 là 54,8%, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Tỉ lệ doanh nghiệp trả chi phí “lót tay” cho các thủ tục hành chính phức tạp hơn (như thủ tục liên quan tới đất đai) giảm từ 32% năm 2018 xuống còn 30,8% năm 2019.
Ngoài ra, doanh nghiệp cảm nhận việc thanh tra, kiểm tra giảm khá rõ so với trước và ngày càng minh bạch hơn. Năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm là 39,8% thì sang đến năm 2019 giảm còn 18,9%.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, cải cách hành chính được cải thiện hàng năm như: : Cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả hơn; thân thiện hơn; thủ tục giấy tờ đơn giản hơn; phí, lệ phí công khai tốt hơn. Tuy vậy, tỉ lệ doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký vẫn chưa giảm, điều này cho thấy đây vẫn là trở ngại đối với doanh nghiệp.
Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục ban hành hàng năm Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm duy trì động lực cải cách liên tục.
Minh Khôi
Hôm nay : 2101
Tháng này : 7796
Tổng truy cập : 92936281