Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh đang đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo dư địa để các ngân hàng thương mại trên địa bàn phát triển tín dụng.
Quý I/2024, tín dụng nói chung và tín dụng doanh nghiệp (DN) nói riêng tại Hà Tĩnh gặp khó khăn do một số nguyên nhân như: nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm do nhu cầu đầu tư SXKD giảm; DN chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý; tính quy luật mùa vụ… Bước sang quý II, tình hình SXKD của các DN ghi nhận dấu hiệu tích cực, nhiều DN tập trung nguồn lực đầu tư phát triển nhằm hoàn thành và vượt kế hoạch 6 tháng đầu năm. Đây là cơ hội để các ngân hàng tăng trưởng dư nợ.
Công ty CP Sao Mai được Vietcombank Hà Tĩnh cấp hạn mức tín dụng hàng chục tỷ đồng.
Công ty CP Sao Mai (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) chuyên sản xuất bao bì phục vụ thị trường xuất khẩu tại Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines... Ngoài ra, để gia tăng nguồn thu, DN cũng tăng cường các đơn hàng nội địa. Theo đại diện DN, từ đầu quý II lại nay là giai đoạn quyết định kế hoạch SXKD 6 tháng đầu năm nên DN đang tăng tốc với các đơn hàng theo hợp đồng đã ký kết. Năm 2024, công ty phấn đấu mục tiêu sản xuất 65 triệu vỏ bao. Quy mô sản xuất gia tăng đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Hiện Công ty CP Sao Mai được Vietcombank Hà Tĩnh cấp hạn mức tín dụng hàng chục tỷ đồng cùng ưu đãi về lãi suất cho vay.
Ông Dương Quốc Khánh - Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp (Vietcombank Hà Tĩnh) cho biết: “Nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực, các DN trên địa bàn đang đẩy mạnh thực hiện kế hoạch năm 2024. Đây là điều kiện thuận lợi để Vietcombank phát triển tín dụng. Ngoài ra, Vietcombank tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tăng trưởng tín dụng như: đơn giản hóa thủ tục, thời gian cho vay; nâng cao hiệu quả thẩm định để cho vay các khách hàng có phương án kinh doanh khả thi; giảm lãi suất ở mức thấp và ổn định trên thị trường. Đơn vị đang áp dụng chương trình giảm lãi suất cho vay hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2024 với lãi suất ngắn hạn chỉ từ 3%/năm, trung và dài hạn chỉ từ 5%/năm. Đến đầu tháng 6/2024, tổng dư nợ của Vietcombank Hà Tĩnh đạt 14.409 tỷ đồng, trong đó dư nợ DN 8.338 tỷ đồng”.
VietinBank Hà Tĩnh đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp.
Theo ghi nhận, bên cạnh vốn lưu động, nguồn vốn trung và dài hạn là nhu cầu thiết yếu đối với DN. Nhằm chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng khách hàng DN trong bối cảnh kinh tế vẫn còn không ít thách thức, VietinBank Hà Tĩnh đang triển khai gói tín dụng cho vay trung và dài hạn có quy mô lên đến 130.000 tỷ đồng (toàn hệ thống) với lãi suất cho vay khá cạnh tranh (chỉ từ 5,6%/năm trong năm đầu tiên). Trong đó, VietinBank tập trung áp dụng cho vay với các DN hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ như: điện, thiết bị điện, viễn thông, xuất khẩu… Với các mốc thời gian ưu đãi lãi suất linh hoạt, lên đến 24 tháng, gói lãi suất này giúp DN chủ động lựa chọn phương án vay phù hợp.
Được biết, cùng với gói tín dụng này, VietinBank vừa ra mắt gói tín dụng “STEP UP” đáp ứng nhu cầu vay vốn ngắn hạn của DN, với quy mô lên đến 300.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay chỉ từ 5%/năm cho khoản vay ngắn hạn bằng VNĐ. Hai gói tín dụng kể trên thể hiện cho cam kết đồng hành cùng cộng đồng DN và nỗ lực của VietinBank trong việc tiết giảm chi phí tối đa, để dành nguồn vốn ưu đãi cho hoạt động SXKD.
Khối ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn cũng đang hướng tín dụng vào phân khúc khách hàng DN khi nhận định cơ hội tăng trưởng từ mục tiêu phát triển của DN, nhất là thời điểm sắp kết thúc quý II.
ACB Hà Tĩnh tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng.
Theo lãnh đạo ACB Hà Tĩnh: DN Hà Tĩnh đang đẩy mạnh các giải pháp, tăng tốc cho kế hoạch SXKD để chuẩn bị “chốt” số liệu 6 tháng năm 2024. Đặc biệt, các DN xây lắp trước áp lực giải ngân vốn đầu tư công cũng đang quyết liệt hoàn thành khối lượng theo hợp đồng đã ký kết. Đón đầu cơ hội nhu cầu nguồn vốn lớn, ACB áp dụng mức lãi suất cạnh tranh với phân khúc khách hàng DN (lãi suất ngắn hạn chỉ từ 5-6%/năm và dài hạn chỉ từ 7%/năm). Ngoài linh hoạt về lãi suất, ACB còn tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, khuyến khích khách hàng giao dịch trên ngân hàng số với cam kết ưu đãi hấp dẫn. Đến nay, tổng dư nợ của ACB Hà Tĩnh đạt 4.500 tỷ đồng, trong đó dư nợ DN đạt 1.000 tỷ đồng.
Tại Bắc Á Bank Hà Tĩnh, dư nợ DN hiện chiếm tới 70% tổng dư nợ. Ông Nguyễn Viết Cường - Phó Giám đốc Bắc Á Bank Hà Tĩnh cho hay: “Dư nợ tín dụng nói chung và dư nợ DN nói riêng tại chi nhánh đã có sự tăng trưởng khá so với quý I, trong đó nguyên nhân căn bản xuất phát từ nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu SXKD của cộng đồng DN, hợp tác xã. Chi nhánh đã tạo điều kiện nâng hạn mức cho vay đối với khách hàng DN và đang thực hiện bảo lãnh vốn cho nhiều DN với tổng quy mô hàng trăm tỷ đồng. Bắc Á Bank Hà Tĩnh đã hoàn thành 60% kế hoạch tín dụng năm 2024 và phấn đấu vượt kế hoạch tăng trưởng tín dụng đã đặt ra”.
Hoạt động giao dịch tại Bắc Á Bank Hà Tĩnh.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, đến đầu tháng 6, tổng dư nợ DN của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt gần 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Thời gian tới, NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Cùng đó, NHNN tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp sở, ban, ngành đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN bằng các hình thức phù hợp để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng…
Hôm nay : 719
Tháng này : 53583
Tổng truy cập : 82583122