Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền...
Củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc Trình bày báo cáo tại buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cho biết, trong những năm qua, MTTQ và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh công tác vận động, tập hợp, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh... Tiêu biểu là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được MTTQ các cấp triển khai rộng khắp, thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc đóng góp sức người, sức của, hiến đất để mở đường giao thông, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội ở nông thôn... qua đó, góp phần về đích sớm 2 năm mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 10 năm qua cũng được MTTQ các cấp triển khai hiệu quả, tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt. MTTQ các cấp cũng phối hợp, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tham gia có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững của Thủ đô. Tính chung trong 5 năm qua, toàn Thành phố đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được 334,9 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 9.167 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn Thành phố xuống còn 0,42%. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng Quy chế về giám sát, phản biện xã hội và đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân. Vì thế, số lượng và chất lượng các hoạt động này được nâng lên, ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả thiết thực. Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp đã chủ trì tổ chức 3.501 hội nghị phản biện xã hội vào các tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân các cấp; 100% các đơn vị đều tổ chức các hội nghị đối thoại; các Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức hàng chục nghìn cuộc thanh tra, giám sát, kiến nghị thu hồi 257.524 m2 đất và 15,2 tỷ đồng. Trong nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ Việt Nam Thành phố tập trung thực hiện 5 chương trình công tác do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai, đồng thời, xác định 3 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm, 5 giải pháp cụ thể. Trong đó, MTTQ Việt Nam Thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền... Đặc biệt, trong năm 2020, với chủ đề công tác “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã xây dựng chương trình phối hợp và thống nhất hành động, với 10 nội dung cụ thể. Trọng tâm là tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam; tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng các cấp; tăng cường giám sát, chủ động nắm chắc tình hình cơ sở, nhất là những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm. Tại hội nghị, các ý kiến tham luận của các tổ chức thành viên MTTQ Thành phố và đội ngũ cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ kiến nghị Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy có kế hoạch, chương trình nhằm tăng cường công tác Mặt trận trong tình hình mới; quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ Mặt trận tham gia cấp ủy; tăng cường công khai, minh bạch thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên... Bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, cần cơ chế để MTTQ tạo ra sức mạnh tổng hợp, tránh mỗi người một ý kiến. “Với đội ngũ trí thức cần một môi trường làm việc thông thoáng, bình đẳng phù hợp với chức năng, sở trường để đóng góp được nhiều công sức, trí tuệ, những ý kiến xây dựng, phản biện có tính khoa học cao, phù hợp với xu thế thời đại cũng như sự đổi mới của đất nước và phù hợp với Hiến pháp, Luật pháp của Nhà nước”, bà An nói. Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân Trao đổi tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ghi nhận các ý kiến kiến nghị tại hội nghị. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài để xử lý các vấn đề như ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải. Phấn đấu đến năm 2025 thì 100% nước thải trên địa bàn Thủ đô sẽ được xử lý. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, việc di dời các cơ sở nhà đất, Thành phố đang bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, nắm chắc các địa điểm di dời, kể cả các cơ sở chuyển đổi công nghệ để không ảnh hưởng đến người dân. Tới đây, UBND Thành phố sẽ chuyển tài liệu về những vấn đề này sang MTTQ Việt Nam Thành phố để công khai, minh bạch để cho nhân dân Thành phố. Còn theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh, trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã thực hiện đồng bộ các Nghị quyết của Trung ương, của Thành phố theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, làm sáng tỏ thêm nhiều hoạt động từ lý luận đến thực tiễn, khơi dậy tinh thần sáng tạo của nhân dân. Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, hội nghị là dịp để lãnh đạo Thành phố trực tiếp lắng nghe, thấu hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn những tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân thủ đô để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, tạo ổn định xã hội, đồng thuận xã hội. Một trong những vấn đề được Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh trong cuộc làm việc là giải quyết các vụ việc phức tạp trên địa bàn. Theo đó, Hà Nội đã và đang chỉ đạo giải quyết quyết liệt các vụ việc này, kể cả vấn đề tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, tăng cường sức chiến đấu. “Đây cũng là dịp sàng lọc, đảm bảo không để những người tiêu cực, tham nhũng, có khuyết điểm nghiêm trọng tham gia cấp ủy các cấp. Đây là chỉ đạo rất cương quyết và quyết liệt của thành phố”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng lưu ý MTTQ các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội; lựa chọn những vấn đề, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để giám sát, phản biện, đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. “Chúng ta cần nhận thức rằng, không có lực lượng giám sát nào hùng hậu, toàn diện và sâu sắc bằng sự giám sát của Nhân dân. Giám sát và phản biện xã hội là để tăng thêm sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận xã hội”, Bí thư Thành ủy khẳng định. Nguyễn Công |
Hôm nay : 1085
Tháng này : 26361
Tổng truy cập : 97990041