Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và các địa phương (DDCI) trên địa bàn Hà Tĩnh là một trong những giải pháp tạo sự thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ngành, địa phương.
Chiều 14/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh họp thảo luận Đề án xây dựng và triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh (DDCI).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì buổi làm việc. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – chi nhánh Nghệ An cùng dự.
DDCI nhằm mục đích đánh giá năng lực của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các sở, ban, ngành trên khía cạnh điều hành kinh tế. Từ đó, tạo động lực cải thiện chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh theo chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh (PCI) quốc gia.
Theo dự thảo đề án xây dựng và triển khai DDCI của Sở KH&ĐT Hà Tĩnh, phạm vi nghiên cứu của bộ chỉ số là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh.
Số lượng phiếu dự kiến gửi đi cho 1 đợt khảo sát/năm là 1.200 - 1.500 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.
Đối tượng khảo sát là 27 sở, ban, ngành có liên quan nhiều đến cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh và 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự buổi làm việc
Các chỉ số con của DDCI gồm 8 chỉ số: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở, ban, ngành và địa phương; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành và địa phương.
Mẫu khảo sát được chọn ngẫu nhiên từ các hồ sơ giao dịch tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Trần Hữu Khanh: Theo dự thảo, DDCI đã có 8 chỉ số, tuy nhiên, trong đó còn có nhiều chỉ số con. Do đó, trong bộ câu hỏi khảo sát để gửi cho cộng đồng doanh nghiệp cần cụ thể, khoa học.
Việc khảo sát được thực hiện thông qua 3 hình thức: Khảo sát bằng thư tín qua đường bưu điện; khảo sát trực tuyến trên hòm thư trực tuyến kiểm soát đồng thời bởi đơn vị tư vấn và cơ quan chủ trì; khảo sát trực tiếp tại các trung tâm hành chính công tỉnh, các huyện, thị, thành phố và thực tế tại một số doanh nghiệp nhằm xác thực thông tin, kiểm soát chất lượng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Bùi Việt Hùng đề xuất trong các chỉ tiêu con của DDCI đối với cấp huyện cần thiết phải có chỉ số về tiếp cận đất đai.
Tại buổi làm việc, sau khi nghiên cứu dự thảo, các sở, ngành, địa phương đã góp ý về: đối tượng, phạm vi khảo sát, số lượng mẫu, các chỉ số con…để hoàn thiện đề án.
Phó Chủ tịch - TổngThư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hà Tĩnh Hoàng Trung Thông đề xuất bổ sung thêm số lượng mẫu khảo sát so với số lượng được đưa ra trong dự thảo.
Bà Nguyễn Thị Lý - đại diện VCCI chi nhánh Nghệ An: VCCI luôn sẵn sàng hỗ trợ để Hà Tĩnh thực hiện xây dựng đề án DDCI. Đây là năm đầu tiên Hà Tĩnh xây dựng bộ chỉ số, vì vậy tổ tư vấn phải làm việc rất nhiều mới truyền tải được tới các sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị Sở KH&ĐT tiếp thu ý kiến các sở, ngành, địa phương để tiếp tục hoàn thiện đề án xây dựng DDCI.
DDCI Hà Tĩnh được xây dựng trên cơ sở kế thừa kết quả đánh giá và hệ thống đánh giá của VCCI về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, đồng thời học tập kinh nghiệm các tỉnh đã làm để cụ thể hóa, đưa vào xây dựng tại tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở KH&ĐT bổ sung thêm chỉ số tiếp cận đất đai theo đề xuất của các huyện. Theo đó, thống nhất 8 chỉ số đối với cấp sở, ngành như dự thảo đề án và 9 chỉ số đối với cấp huyện, thị, thành phố.
Về đối tượng khảo sát, cần xác định các nhóm đối tượng là sở, ban, ngành liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp.
Về số lượng mẫu khảo sát, Sở KH&ĐT tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở các tỉnh đã làm để hoàn thiện. Mẫu khảo sát không nhất thiết phải quá nhiều nhưng phải đạt chất lượng tốt và chỉ khảo sát các cơ sở doanh nghiệp đang hoạt động, đang phát sinh thuế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT xin ý kiến các sở, ngành địa, phương, tổng hợp để hoàn thiện đề án và trình UBND tỉnh vào ngày 4/8. Dự kiến, tỉnh sẽ ban hành bộ chỉ số trong nửa đầu tháng 8/2020 để triển khai thực hiện.
Hôm nay : 930
Tháng này : 30581
Tổng truy cập : 87965275