Thật là vẻ vang” là tiêu đề bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo Nhân dân, số 4183, ngày 17-9-1965 để khái quát truyền thống vẻ vang của dân tộc và của Đảng ta.
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 -03/02/2020) - một đảng cách mạng vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện - là dịp để chúng ta tự hào với truyền thống vẻ vang của Đảng ta. Ảnh tuyengiao.vn |
Cách đây tròn 90 năm, ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là sự kiện đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Vì vậy, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (Đây là lần đầu tiên Đảng họp Đại hội công khai kể từ khi thành lập. Dự Đại hội có hơn 200 đại biểu thuộc các Đảng bộ Việt Nam, Lào và Campuchia thay mặt cho hơn 76 vạn đảng viên trong toàn Đảng) trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Từ đó, vô sản thế giới, cách mạng thế giới thành một đại gia đình, mà Đảng ta là một trong những con út của đại gia đình ấy” (1).Không những thế, “Tuy vậy, vừa ra đời Đảng ta đã lãnh đạo ngay cuộc đấu tranh kịch liệt chống thực dân Pháp. Cuộc đấu tranh đó cao đến tột bực trong những ngày Xôviết Nghệ An. Đó là lần đầu tiên nhân dân ta nắm chính quyền ở địa phương và bắt đầu thi hành những chính sách dân chủ, tuy mới làm được trong một phạm vi nhỏ hẹp” (2). Đây chính là sự nối tiếp mạnh nguồn truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới để xây đắp truyền thống vẻ vang của Đảng.
Đánh giá khái quát truyền thống vẻ vang đó, trong tác phẩm Thật là vẻ vang, đăng trên Báo Nhân dân, số 4183, ngày 17-9-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở khái quát hoàn cảnh lịch sử nước ta trước Cách mạng Tháng Tám thành công: “Lịch sử dân tộc ta đã có nhiều thời kỳ rất vẻ vang. Nhưng trước ngày Cách mạng Tháng Tám, dân tộc ta đã phải trải qua gần một thế kỷ vô cùng tủi nhục. Trên địa đồ thế giới, tên nước ta đã bị xóa nhòa dưới bốn chữ “Đông Dương thuộc Pháp”. Thực dân Pháp gọi đồng bào ta là lũ Annamít dơ bẩn. Thiên hạ gọi chúng ta là vong quốc nô. Cụ Phan Bội Châu đã phải thốt lên rằng:
Đã lắm lúc bầm gan tím ruột,
Vạch trời cao mà tuốt gươm ra,
Cũng xương, cũng thịt, cũng da,
Cũng hòn máu đỏ, con nhà Lạc Long,
Thế mà chịu trong vòng trói buộc,
Mấy mươi năm nhơ nhuốc lầm than!... (3), Người khẳng định: “Trong tình cảnh nước mất nhà tan đó, Đảng ta đã vượt biết bao hy sinh, nguy hiểm để tổ chức, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân ta nổi lên chiến đấu. Cách mạng Tháng Tám thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Nhân dân ta tự làm chủ vận mạng của mình. Tên tuổi của nước ta lại lẫy lừng khắp năm châu, bốn biển”(4). Đặt trong hoàn cảnh lịch sử ấy chúng ta mới thấy sự vĩ đại của dân tộc ta, của Đảng ta biết nhường nào.
Có được thành tích vẻ vang đó, theo Người đó là tổng hòa của cả điều kiện khách quan với nhân tố chủ quan, trong đó nhân tố chủ quan là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng:“Do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sức đoàn kết và hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi… Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” (4).
Tiếp tục bàn về vấn đề này, trong bài viết Tình hình và nhiệm vụ, Người khẳng định: “Về Đảng: Đảng ta có cơ sở khắp cả nước, Đảng đã thu hút những người cách mạng nhất, ưu tú nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng có chính cương, đường lối đúng. Đảng lãnh đạo toàn dân đoàn kết kháng chiến, tranh được nhiều thắng lợi. Đó là thành tích vẻ vang của Đảng ta”(tập 7, tr.395). Hơn nữa, Đảng ta nhận rõ kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ và gian khổ. Đảng ta quyết lãnh đạo quân đội và nhân dân vượt mọi khó khăn gian khổ - mà càng gần thắng lợi càng nhiều gian khổ khó khăn - để tranh lấy thắng lợi hoàn toàn. “Sở dĩ được như thế là vì Đảng ta và chỉ có Đảng ta toàn tâm toàn lực phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc”(5).
Không những vậy, để giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đó là tình cảm, trách nhiệm của toàn Đảng, của toàn thê cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng; theo Người, cán bộ và đảng viên phải quán triệt và thực hiện tốt một số yêu cầu sau: “Đảng ta là một đảng tiên phong anh dũng. Để làm tròn nhiệm vụ nặng nề mà vẻ vang của Đảng thì toàn thể cán bộ và đảng viên, từ trên đến dưới, bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì, đều phải:
- Kiên quyết chấp hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ;
- Đi đúng đường lối quần chúng;
- Quyết tâm thực hiện đạo đức cách mạng là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí;
- Làm gương mẫu trong việc thi đua học tập, chiến đấu, tăng gia sản xuất, v.v.;
- Thật thà tự phê bình và phê bình để luôn luôn tiến bộ.
Tôi chắc rằng với sự lãnh đạo, giáo dục và kiểm tra của Trung ương, với quyết tâm của mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, với sự giúp đỡ của các đảng bạn, với sự phê bình, kiểm thảo của quần chúng, chúng ta nhất định làm được như thế và chúng ta nhất định thắng lợi”(6).
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 -03/02/2020) - một đảng cách mạng vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện - là dịp để chúng ta tự hào với truyền thống vẻ vang của Đảng ta; đây cũng là dịp để toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên tưởng nhớ cống hiến vĩ đại của Người đối với Đảng, đối với dân tộc; đồng thời kiểm thảo vàphát huy tính tiền phong về việc thực hiện lời dạy của Người để Đảng xây dựng Đảng thật sự là “đạo đức và văn minh”, luôn trường tồn và đồng hành với dân tộc./.
Chú thích:
(1) (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.19; tr.19-20
(3) (4) Sđd,Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, tr.621
(5) (6) Sđd, Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 8, tr.34-35; tr.35
Nguyễn Bảo Minh
Hôm nay : 10200
Tháng này : 39851
Tổng truy cập : 88095298