Tại buổi họp báo chiều 5/6, thông tin về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến ngày 29/5/2020, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019. NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thanh khoản thông suốt, tỷ giá ổn định
Mức tăng đã cải thiện, song vẫn khá thấp nếu so với con số tăng trưởng tín dụng 7,33% của nửa đầu năm 2019.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đãđiều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng. Đến ngày 29/5/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.
Quang cảnh họp báo
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất cho vay giảm mạnh từ 05-2,5%, thậm chí có ngân hàng thương mại (NHTM) còn giảm lãi suất cho vay tới 3-4%/năm. Việc cho vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh do các TCTD chủ động triển khai trên cơ sở đánh giá và chia sẻ với khách hàng, phù hợp với quy định của pháp luật, khả năng tài chính và cân đối vốn của TCTD; tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì tính lành mạnh, an toàn của hoạt động ngân hàng trong những năm tới.
Sau hơn 02 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ. Theo đó, đến 25/5/2020 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224 nghìn khách hàng với dư nợ gần 152 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 767.607 tỷ đồng cho 196.369 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 150.714 khách hàng với dư nợ 3.813,6 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 75.209 khách hàng với dư nợ 1.567,6 tỷ đồng, cho vay mới đối với 680.031 khách hàng với dư nợ 25.756,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, NHNN đã chỉ đạo các TCTD đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cải cách hành chính, đẩy mạnh các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.
Trong điều hành lãi suất, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 02 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0 - 1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6 - 0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên trợ, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm so với đầu năm.
Về điều hành tỷ giá, mặc dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước ổn định, thanh khoản thông suốt, TCTD mua ròng từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Đến cuối tháng 5/2020, tỷ giá trung tâm tăng 0,46%, tỷ giá liên ngân hàng tăng 0,49% so với đầu năm.
Sẵn sàng cung ứng nguồn vốn rẻ, đẩy mạnh thanh toán điện tử
Trong 6 tháng cuối năm 2020, NHNN sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản TCTD hợp lý để ổn định thị trường; Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; Kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng. Bám sát diễn biến dịch bệnh để điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với TCTD, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, đảm bảo hài hòa mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Về khả năng tăng trưởng tín dụng, và định hướng 6 tháng cuối năm, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đầu năm NHNN xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, nhưng tại thời điểm này đối với các chỉ tiêu chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
"Đến bây giờ tín dụng tăng 1,96%, đây là mức rất thấp. Với tốc độ tăng thấp như hiện nay, các ngân hàng cũng rất muốn cho vay. Nhu cầu vay mới chưa nhiều nhưng đến hậu Covid-19 khi nhu cầu vay vốn tăng trở lại, hệ thống ngân hàng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các ngân hàng rà soát đưa nguồn vốn đến đúng địa chỉ, tập trung vào SXKD các lĩnh vực ưu tiên tùy thuộc vào khả năng cụ thể của từng TCTD. NHNN trong trường hợp cần thiết sẵn sàng tái cấp vốn cho các ngân hàng đáp ứng nhu cầu của DN, người dân", Phó Thống đốc nói.
Về khả năng giảm lãi suất tiếp theo, bà Hồng cho biết, trong thời gian qua, trước khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NHNN đã giảm các mức lãi suất điều hành. So với mức lãi suất điều hành của nhiều nước, mức giảm của NHNN hiện nay đã là khá sâu, theo đánh giá của các tổ chức.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các TCTD quyết liệt tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01, tiết giảm chi phí hoạt động để dành nguồn lực cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các TCTD cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp. Triển khai tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án 1058 để làm cơ sở xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021 - 2020.
Tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công... góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thúc đẩy tài chính toàn diện.
NHNN cho biết, TTKDTM có nhiều phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Đặc biệt trong 4 tháng đầu năm 2020, thanh toán qua thẻ, internet và điện thoại di động đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019: Thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn. Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được mở rộng triển khai rộng rãi. NHNN đã có chỉ đạo kịp thời các ngân hàng, trung gian thanh toán trong việc phối hợp triển khai thanh toán điện tử trên Cổng dịch vụ quốc gia.
Ngoài ra, toàn hệ thống ngân hàng cũng đã tích cực trong việc miễn, giảm phí một số dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.
Về kế hoạch triển khai Mobile Money, đại điện NHNN cho biết, ngày 24/4/2020, NHNN đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Việc triển khai thực hiện dịch vụ này sẽ căn cứ theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Về cơ chế quản lý thử nghiệm đối với Fintech: NHNN đã dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và đang đăng tải trên website NHNN và Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi.
Về xác minh danh tính chủ ví điện tử theo Thông tư 23/2019/TT-NHNN, lãnh đạo NHNN khẳng định, việc xác minh danh tính chủ ví nhằm hạn chế những rủi ro liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, giả mạo, lừa đảo..., bảo vệ quyền lợi của khách hàng và nâng cao trách nhiệm của TCTGTT trong quá trình mở và sử dụng dịch vụ ví điện tử.
Hôm nay : 124
Tháng này : 40940
Tổng truy cập : 100518958