Không hiếm trường hợp các bên trong hợp đồng thương mại thỏa thuận về mức phạt vi phạm hợp đồng của một bên. Câu hỏi đặt ra là pháp luật cho phép phạt vi phạm ở mức nào?
Tình tiết sự kiện: Công ty S (Nguyên đơn - Bên bán) ký hợp đồng bán cho ông C (Bị đơn - Bên mua) một máy thêu. Trong hợp đồng, các Bên thỏa thuận nếu Bên nào thực hiện không đúng các điều khoản của hợp đồng thì bên vi phạm sẽ phải bồi thường 10% giá trị hợp đồng cho Bên kia. Khi giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng tài xác định đây là thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng và chỉ chấp nhận mức phạt bằng 8% giá trị nghĩa vụ bị vi phạm.
Ảnh minh họa
Trong vụ việc trên, Bên bán đồng ý bán và Bên mua đồng ý mua 01 máy thêu vi tính điện tử với trị giá hợp đồng là 525.000.000 VND. Trong hợp đồng các Bên thỏa thuận, nếu Bên nào thực hiện không đúng các điều khoản của hợp đồng bên vi phạm sẽ phải bồi thường 10% giá trị hợp đồng cho Bên kia. Thực tế, Bên bán (Nguyên đơn) đã giao và Bên mua (Bị đơn) đã nhận hàng và không có khiếu nại phát sinh. Tuy nhiên, Bị đơn còn nợ Nguyên đơn 126.000.000 VND và Nguyên đơn đã yêu cầu Bị đơn thanh toán số tiền hàng còn nợ, nhưng không được Bị đơn thực hiện. Vì vậy, bên cạnh yêu cầu Bị đơn thanh toán tiếp phần còn lại và lãi chậm trả, Nguyên đơn còn yêu cầu Bị đơn phải chịu phạt vi phạm hợp đồng.
Theo Hội đồng Trọng tài, “Xét yêu cầu Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn 10.080.000 VND tiền phạt vi phạm hợp đồng, căn cứ Điều 300 và 301 Luật Thương mại năm 2005; căn cứ thỏa thuận của các Bên tại Điều 7 của hợp đồng, Hội đồng Trọng tài cho rằng: (i) Nguyên đơn có quyền yêu cầu Bị đơn trả tiền phạt vi phạm hợp đồng vì trong hợp đồng các Bên có thỏa thuận; (ii) mức phạt tối đa 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm quy định tại Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 được áp dụng thay cho mức 10% giá trị hợp đồng mà các Bên thỏa thuận trong hợp đồng; (iii) giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm là 126.000.000 VND. Do vậy, Hội đồng Trọng tài chấp nhận khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng Bị đơn phải trả cho Nguyên đơn là 10.080.000 VND”.
Ở đây, Hội đồng Trọng tài đã xác định có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng. Liên quan đến mức phạt, chúng ta thấy các Bên thỏa thuận là 10% giá trị hợp đồng nhưng Hội đồng Trọng tài xác định áp dụng “mức phạt tối đa 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm quy định tại Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 được áp dụng thay cho mức 10% giá trị hợp đồng mà các Bên thỏa thuận trong hợp đồng”. Hướng giải quyết này được lý giải như sau: Theo Điều 301 Luật Thương mại năm 2005, “mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”.
Ở quy định trên, mức phạt tối đa mà các bên có thể thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng là “8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”. Phần này có thể bằng 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm nếu hợp đồng chưa được thực hiện phần nào. Tuy nhiên, khi hợp đồng đã được thực hiện một phần thì 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm không tương đương với 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm. Trong vụ việc trên, các Bên thỏa thuận mức phạt là 10% giá trị hợp đồng là quá cao so với quy định áp dụng cho quan hệ có tranh chấp.
Khi mức phạt theo thỏa thuận quá cao so với quy định, Luật Thương mại năm 2005 chưa cho biết hướng xử lý. Về mặt lý thuyết, có thể vô hiệu hóa toàn bộ thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng hoặc có thể là thay thế mức thỏa thuận bằng mức tối đa theo quy định của pháp luật. Hội đồng Trọng tài đã theo hướng thứ hai là “mức phạt tối đa 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm quy định tại Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 được áp dụng thay cho mức 10% giá trị hợp đồng mà các Bên thỏa thuận trong hợp đồng”. Hướng giải quyết này là thuyết phục và tương đồng với hướng của thực tiễn xét xử tại Tòa án nhân dân.
Như vậy, các bên được thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng nhưng doanh nghiệp cũng cần biết rằng mức phạt vi phạm bị giới hạn ở % giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm khi hợp đồng chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại năm 2005. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng biết thêm rằng mức tối đa này không được áp dụng cho hợp đồng dịch vụ giám định được quy định tại Điều 266 Luật Thương mại năm 2005, cho hợp đồng xây dựng chịu sự điều chỉnh của Luật xây dựng và hợp đồng chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự.
Doanh nghiệp cũng lưu ý thêm rằng nếu hợp đồng chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế (hết hiệu lực năm 2006 nhưng vẫn áp dụng cho hợp đồng được xác lập trước năm 2006 nhưng ngày nay mới có tranh chấp), mức phạt có thể cao đến 12%. Chẳng hạn, đối với hợp đồng được xác lập năm 2004 trong đó có nội dung “Bên nào đã ký hợp đồng mà không thực hiện hoặc đơn phương đình chỉ hợp đồng không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt 12% phần giá trị bị vi phạm”, một Hội đồng Trọng tài thuộc VIAC đã xét rằng “do thống nhất được đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 20 tháng (tính từ ngày 31/03/2014 đến ngày 30/11/2015), Hội đồng Trọng tài, theo ý kiến đa số, căn cứ Pháp lệnh hợp đồng kinh tế (1989) có hiệu lực đến ngày 01/07/2006 để áp dụng mức phạt theo tỷ lệ 12% phần giá trị bị vi phạm quy định tại Điều 8.1 của hợp đồng liên kết kinh tế số 02/HĐLKKT ký ngày 25/07/2004”.
Trích cuốn sách "Giải quyết tranh chấp hợp đồng - Những điều doanh nhân cần biết" - VIAC. Sách được phân phối trên tiki theo link: https://tiki.vn/giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-nhung-dieu-doanh-nhan-can-biet-p25961047.html
TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ VIỆT NAM
Hôm nay : 3726
Tháng này : 37136
Tổng truy cập : 98635468