Cuối tháng 11/2019, Hệ thống chia sẻ và giám sát thông tin phục vụ Chính phủ điện tử đã chính thức khai trương trong sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam lần thứ 12.
Đây là hệ thống được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai với sự hợp tác xây dựng của các thành viên trong Liên minh xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng (gồm các các tập đoàn công nghệ như Viettel, VNPT, CMC, FPT, BKAV).
Chính thức khai trương hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử ngày 29/11. Ảnh: XC/Báo Tin tức.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử nhấn mạnh: “Tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử không chỉ là nhận thức của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, cần đặc biệt coi trọng sự tin tưởng và sử dụng của mọi người. Chính phủ điện tử chỉ đem lại hiệu quả khi an toàn và phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Để đảm bảo an toàn an ninh mạng trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài, đồng thời cần tận dụng sự tham gia, ủng hộ của mọi thành phần xã hội.
Kinh nghiệm từ nước ngoài
Năm 2019, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức rất nhiều cuộc khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế và hàng trăm hội nghị, cuộc họp, buổi làm việc với các chuyên gia trong nước, quốc tế (trong đó có hơn 20 cuộc họp với các tổ chức quốc tế, sứ quán các nước: Australia, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, World Bank, AFD...) với mục tiêu thu nhận đánh giá việc triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình để thúc đẩy việc thực hiện.
Trong thời đại công nghệ thông tin hiện đại, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bị tấn công mạng khi tham gia các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử… Ước tính, trên thế giới, cứ mỗi giây lại có khoảng 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo ra.
Ông Kimmo Rousku, Tổng Thư ký Ban Quản lý An toàn thông tin cho Chính phủ số của Phần Lan cho biết: Chỉ mất khoảng 700 mili giây, một cuộc tấn công mạng ở Việt Nam cũng có thể gây ảnh hưởng đến các quốc gia châu Âu. Do đó, khi xây dựng hệ thống công nghệ nào phục vụ cho bất kỳ Chính phủ số ở quốc gia nào, vấn đề an ninh mạng phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Theo kinh nghiệm xây dựng Chính phủ số tại Phần Lan, ông Kimmo Rousku cho biết có ba vấn đề cần tập trung: sự lãnh đạo của các cơ quan chuyên trách; năng lực làm việc của đội ngũ vận hành; phải đảm bảo đến yếu tố an toàn, an ninh bảo mật.
Hiện tại, Phần Lan ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và có nhiều sáng kiến công nghệ trong khu vực công. Quốc gia phát triển này luôn đặt vấn đề sử dụng của người dân lên hàng đầu. Xây dựng Chính phủ điện tử là để phục vụ nhân dân, do đó yếu tố lòng tin của người dân rất quan trọng. Nếu người dân không dùng, hoặc dùng nhưng không thấy an toàn, hệ thống Chính phủ số sẽ không phát huy hiệu quả thực sự. Đồng thời, để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo đảm an ninh mạng, Phần Lan thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập phòng chống tấn công mạng, các trò chơi trực tuyến có tình huống được thiết kế trên các cố tấn công mạng để người sử dụng có thêm kinh nghiệm trong việc xử lý cũng như phòng chống tấn công mạng. Đến nay, hệ thống chính phủ số của Phần Lan đang xếp thứ 10 trong Bảng xếp hạng về Chỉ số an toàn thông tin tại Liên minh châu Âu và xếp thứ 19 trên thế giới. Những chia sẻ của Phần Lan là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Trước đó, tháng 9/2019, Chính phủ Việt Nam đã phối hợp với Hàn Quốc tổ chức hội thảo trao đổi về kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Hàn Quốc là quốc gia đã tận dụng những lợi thế của khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai Chính phủ điện tử và trở thành quốc gia có nền công nghệ thông tin phát triển. Từ năm 2004 đến nay, Hàn Quốc luôn nằm trong nhóm 10 nước phát triển nhất về Chính phủ điện tử chiến lược Chính phủ điện tử, hệ thống quản lý văn bản điện tử; dữ liệu và việc ra quyết định, định danh điện tử; căn cước công dân... Đây là những điểm Việt Nam có thể tham khảo từ phía Hàn Quốc. Đồng thời, tháng 9/2019, Văn phòng Chính phủ Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hội đàm về vấn đề xây dựng Luật Chính phủ điện tử.
Đặt mục tiêu ưu tiên cho xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam, đến hết tháng 7/2019, tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử. 100% các bộ, ngành, 32/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.
Chủ động đảm bảo an toàn an ninh mạng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn ký cam kết điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ảnh: TTXVN
Trước đây, việc phát triển công nghệ thông tin được ưu tiên vào việc đầu tư trang bị cho hệ thống máy móc, trang thiết bị. Tuy nhiên, trong tình hình phát triển của công nghệ và mạng internet hiện nay, việc xây dựng Chính phủ điện tử phải song hành cùng việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, tỷ lệ chi cho an toàn, an ninh mạng tối thiểu 10% tổng kinh phí chi cho công nghệ thông tin (hiện nay, tỷ lệ này đang ở mức dưới 5%). Như vậy, mọi dự án công nghệ thông tin đều phải có cấu phần an toàn, an ninh mạng như một cấu phần bắt buộc.
Để bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử đòi hỏi phải có sự chủ động từ tất cả các thành phần. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử nhấn mạnh: Việt Nam cần làm chủ công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Cơ quan, tổ chức nhà nước phòng, chống tấn công mạng cần ưu tiên sử dụng các sản phẩm Made in Vietnam.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp tiên phong phát triển hệ sinh thái sản phẩm công nghệ đảm bảo an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Hệ sinh thái này là một mô hình tổng thể, toàn diện, đầy đủ các giải pháp.
Doanh nghiệp có thế mạnh về giải pháp nào sẽ được giao để tập trung phát triển sâu, chuyên nghiệp về giải pháp đó, được ưu tiên, khuyến nghị sử dụng. Cùng với đó, cần thành lập một liên minh giữa các công ty công nghệ thông tin nhằm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển sản phẩm, bảo đảm các sản phẩm có sự liên thông, kết nối. Các thành viên trong liên minh doanh nghiệp phải cam kết sử dụng sản phẩm của nhau để cung cấp một giải pháp an ninh tổng thể cho khách hàng.
Không gian mạng là phi biên giới, do vậy không thể đơn độc, một cá nhân, một tổ chức, một quốc gia có được sự an toàn trên mạng. Sự bắt tay, hợp tác, chia sẻ và tạo sự tin tưởng khi xử lý các tình huống an toàn thông tin trong thế giới số thay vì giữ kín như trước là yếu tố quan trọng.
Đại diện Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết, hiện nay, giám sát an toàn thông tin mạng cho các hệ thống phục vụ Chính phủ điện tử là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, để tăng cường khả năng phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, chính xác về các các sự cố, mã độc, điểm yếu, lỗ hổng có khả năng gây mất an toàn thông tin mạng đối với các dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.
Trong các yếu tố đảm bảo an ninh mạng, vấn đề con người, nguồn nhân lực luôn giữ vai trò then chốt. Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Phương châm để nâng cao nhận thức, chất lượng nhân lực an toàn thông tin tại Việt Nam là tập trung đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho ít người hơn và đào tạo phổ cập cho nhiều người hơn. Đồng thời, Việt Nam cần tạo ra một số sản phẩm an toàn thông tin tốt, có khả năng đáp ứng được nhu cầu sử dụng, đáp ứng được kỳ vọng của người dùng.
Ngày 28/12/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Liên minh Phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam với mục đích tập trung nguồn lực trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin. Sản phẩm của các doanh nghiệp trong Liên minh sẽ có khả năng tương thích kết nối liên kết với nhau trở thành các bộ giải pháp hoàn chỉnh phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Các doanh nghiệp đã cam kết đồng hành cùng nhau trong việc bảo vệ các hệ thống thông tin của Việt Nam hướng tới mục tiêu là năm 2020, các sản phẩm công nghệ thông tin của Việt Nam sẽ đáp ứng đầy đủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng.
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập, phát triển như hiện nay, để xây dựng được một Chính phủ điện tử an toàn, cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, chuyên gia an toàn, an ninh mạng phải là lực lượng tiên phong, mở đường, gánh vác trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh mạng. Người dân cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân, bảo mật các thông tin cá nhân trên mạng. Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam sẽ là cầu nối, là sợi dây liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài…, để tạo ra một không gian mạng Việt Nam an toàn, phục vụ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.
Ngọc Bích (TTXVN)
Hôm nay : 664
Tháng này : 4558
Tổng truy cập : 84675161