Để vượt qua và trụ vững sau đại dịch, doanh nghiệp cần thử nghiệm những mô hình kinh doanh, khai phá những thị trường mới...
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, quý I/2020 kết thúc với các con số thấp hơn nhiều so với kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Một số ngành bị tác động trực tiếp một cách nặng nề, thậm chí đến mức tê liệt, như du lịch, vận tải... Dự báo, ảnh hưởng của dịch bệnh trong quý II sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Dù phải vật lộn với Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) thay vì than vãn, kêu cứu họ đã chủ động thay đổi chiến lược, phát huy nội lực, tìm hướng kinh doanh mới để "sống sót", thậm chí là "sống khỏe" trong và sau đại dịch.
Doanh nghiệp vật lộn trong đại dịch không chờ "giải cứu" mà chủ động thay đổi chiến lược, mạnh dạn thử nghiệm mô hình kinh doanh mới... (Ảnh minh họa)
TS. Nguyễn Đình Cung
Tình hình dịch bệnh phức tạp hơn đang khiến nhiều khuyến nghị, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần được triển khai nhanh và ít tốn kém. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lo ngại, nếu chậm, nhiều doanh nghiệp có thể không còn đủ sức để nhận hỗ trợ.
Trên thực tế, doanh nghiệp mới chỉ được hỗ trợ ở mức độ nhất định về tiếp cận vốn tín dụng, hỗ trợ giảm khó khăn về thanh khoản; giảm lãi suất vay vốn. Còn các giải pháp liên quan đến hỗ trợ giảm chi phí, như chia sẻ gánh nặng về chi phí tiền lương, tiền công cho người lao động, giải pháp tăng thêm sức cầu của nền kinh tế chưa được bàn rốt ráo. Trong khi đây là những hỗ trợ hết sức cần thiết để doanh nghiệp cân đối lại nguồn lực, duy trì sức chống chịu vào lúc này, TS. Nguyễn Đình Cung - thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho hay.
Nguyên Viện trưởng CIEM nêu rõ: Thời điểm này, các giải pháp tháo gõ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cần được tiến hành khẩn trương hơn, quyết liệt hơn và có quy mô lớn hơn. "Đặc biệt, nên cho phép doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế hạch toán chi phí phát sinh do chống dịch vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp", TS. Nguyễn Đình Cung kiến nghị.
Dịch bệnh tuy gây ra nhiều khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chủ động bứt phá. Thay vì than vãn, xin hỗ trợ, các DN nên xin cơ chế phù hợp để phát huy nội lực, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, khai phá thị trường...
Theo ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, bên cạnh những thách thức, khó khăn, đại dịch Covid-19 cũng tạo sức ép để doanh nghiệp tái cấu trúc, tự thân vận động một cách mạnh mẽ hơn.
Ông Lê Duy Bình
"Với những diễn tiến của tình hình dịch bện hiện nay, chúng ta phải có biện pháp để dần khôi phục lại sản xuất kinh doanh, nối lại sự vận hành bình thường của nền kinh tế. Chính phủ đã phát đi tín hiệu rất rõ ràng là phải sống chung với dịch, phải sản xuất kinh doanh an toàn, phải tiếp tục vận hành nền kinh tế ở mức độ an toàn hơn. Quan điểm điều hành này rất phù hợp", ông Bình nói.
Ông Lê Duy Bình cho rằng, DN xuất khập khẩu cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh và mức độ đóng, mở cửa của của các thị trường... Bên cạnh đó, việc kích thích thị trường trong nước cũng rất quan trọng.
Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh, với thu nhập bình quân hiện tại của người dân và quy mô của thị trường trong nước, rõ ràng là không thể kỳ vọng thị trường trong nước sẽ bù đắp được những sụt giảm của cầu đối với nhiều thị trường xuất khẩu của hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Sự phục hồi sản xuất, kinh doanh của nhiều DN Việt nằm ngoài tầm tay của mình mà phụ thuộc vào sự phục hồi của cầu tại các thị trường xuất khẩu truyền thống.
Trong bối cảnh đó, việc nhanh nhạy nắm bắt những nhu cầu mới và những xu thế phục hồi của các thị trường xuất khẩu và nhanh chóng tìm cách đáp ứng được các nhu cầu và xu thế đó sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các DN của Việt Nam, ông Bình chia sẻ./.
Trần Ngọc/VOV.VN
Hôm nay : 124
Tháng này : 46496
Tổng truy cập : 75394839