Ngành du lịch đang trải qua giai đoạn "lao dốc" không phanh, khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử, mà nguyên nhân từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bùng phát khắp thế giới.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà lần đầu tiên trong lịch sử thế giới chứng kiến cảnh ngành du lịch gần như tê liệt. Đặc biệt, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam 3 tháng qua giảm sâu chưa từng có.
Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, riêng quý I năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ có gần 3,7 triệu lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019; khách du lịch nội địa đạt 13 triệu lượt, trong đó có 6,8 triệu lượt khách lưu trú, tổng thu từ khách du lịch đạt 143.600 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019.
[Doanh nghiệp ''ngồi trên lửa'' và chuyện người dân... sợ du khách]
Có thể nói, bóng đen của dịch bệnh đã phủ lên toàn bộ nền kinh tế, mà chịu ảnh hưởng nặng nề, nghiêm trọng nhất chính là ngành du lịch. Vậy sau đại dịch, phải mất bao lâu và làm thế nào để ngành này có thể hồi phục?
Cú “lao dốc” để đời
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hai thị trường khách trọng điểm là Trung Quốc và Hàn Quốc giảm tới trên 90%. Cụ thể, khách Trung Quốc đạt 33.200 lượt, giảm 91,5%; khách Hàn Quốc đạt 28.700 lượt, giảm 91,4%.
So với cùng kỳ năm 2019, khách quốc tế đến từ các châu lục đều giảm mạnh, trong đó khách đến từ châu Á giảm 77,2%, châu Âu giảm 27,5%, châu Mỹ giảm 67,9%, châu Úc giảm 49,9% và châu Phi giảm 37,8%. Những con số liên tục giảm là do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Các khu di tích đã không còn bóng du khách. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho hay, lượng khách mua tour giảm mạnh, tình trạng hủy tour lớn chưa từng có. Công ty Lữ hành Saigontourist tháng 2 giảm 80%, tháng 3 giảm 90% tổng lượng khách, doanh thu sụt giảm 500 tỷ đồng/tháng; Vietravel tháng 2 giảm 40%, tháng 3 giảm 80%, tháng 4 giảm 90% tổng lượng khách; Hanoitourist giảm 70-80% khách…
Trước đó, Tổng cục du lịch cũng ước tính đại dịch COVID-19 khiến ngành du lịch thiệt hại tới 7 tỷ USD. Thế nhưng, với đà dịch bệnh lan rộng và có khả năng kéo dài trong thời gian tới, con số này chắc chắn sẽ không dừng lại.
Trong báo cáo của Chính phủ gửi Thường vụ Quốc hội cho thấy, 98% lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc. Thực tế, để mưu sinh, nhiều dẫn viên trong nước đã phải chuyển đổi “mô hình kinh tế,” ban giám đốc của nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng nháo nhác “tái cơ cấu,” người có kinh nghiệm chuyên môn thì chuyển nghề đào tạo-tư vấn, người năng động đại diện hình ảnh hay làm marketing cho một số nhãn hàng…
Trong “cơn bão” mang tên COVID-19, tất cả đều không thể đứng yên.
[Hướng dẫn viên du lịch làm gì để mưu sinh giữa ''cơn bão COVID-19''?]
Không chỉ riêng Việt Nam, du lịch toàn cầu cũng đang khủng hoảng “đóng băng” kinh khủng nhất trong lịch sử. Doanh thu du lịch quốc tế ước tính thiệt hại lên tới 80 tỷ USD. Với diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch bệnh như hiện nay con số dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Với cú “lao dốc” này, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, để hết dịch thì lạc quan nhất cũng phải cuối tháng 6/2020, sau đó cũng cần ít nhất 7 tháng để ngành du lịch phục hồi lại các hoạt động như trước, tức là đầu năm 2021.
Vậy ngành du lịch sẽ cần làm gì để cùng nhau vượt “bão COVID-19”?
Những lối đi vắng bóng người. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Giải pháp nào giúp “phá băng”?
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, hiện đơn vị này đang phối hợp với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lấy ý kiến các địa phương, doanh nghiệp về chương trình kích cầu du lịch Việt Nam.
Hai bên cũng đồng thời xây dựng Kế hoạch xúc tiến du lịch nhằm tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.
Toàn ngành cũng xác định nhiệm vụ quan trọng nhất, trực tiếp, trước mắt là chống dịch, bảo vệ doanh nghiệp du lịch và bảo vệ khách du lịch trước hậu quả của dịch.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Lê Quang Tùng đã gửi đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ kịp thời và đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch giảm thiểu khó khăn, thiệt hại để có thể cầm cự, chờ đợi phục hồi, góp phần giúp ngành du lịch dần trở lại với hoạt động bình thường.
Cùng hy vọng những nụ cười như này sớm trở lại với ngành du lịch. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Theo đó, Bộ này đề xuất miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý I, II và III năm 2020; giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý IV/2020 và quý I/2021…
Ngoài ra, nhà quản lý cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp du lịch và hướng dẫn viên du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội năm 2019-2020 đến hết tháng 6/2021; giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ; triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí): Giảm lãi suất vay từ 3%/năm đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới…
Những giải pháp này nếu thực tế được triển khai đồng bộ, có thể giúp phá vỡ “tảng băng” khi dịch bệnh được đẩy lùi, để ngành du lịch sớm ấm áp trở lại.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng, tuy đại dịch COVID-19 đã gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho du lịch nhưng cũng nhờ đó mà Việt Nam có điểm dừng để nhìn lại, thêm kinh nghiệm về cơ cấu ngành, thị trường khách sao cho phù hợp có thể giúp giảm thiểu thiệt hại từ các tình huống rủi ro trong tương lai./.
Hôm nay : 1446
Tháng này : 24608
Tổng truy cập : 97861708