Từ xưa đến nay, phụ nữ Hà Tĩnh cũng như phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của mình. Ngày nay, với việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, trí tuệ, bản lĩnh ấy còn được thể hiện trên một biên độ rộng hơn, khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội.
Trong các thời kỳ lịch sử của đất nước, phụ nữ Việt Nam luôn khẳng định được trí tuệ, bản lĩnh của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949. Ảnh: Internet
Việt Nam nhất quán thực hiện bình đẳng giới
Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất, phổ biến nhất về bất bình đẳng giới (BĐG) ở Việt Nam là bạo lực gia đình. Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam lần thứ 2 (năm 2019) cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời; gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).
Mục đích của điều tra này là để giúp chúng ta hiểu hơn về những điều đã thay đổi và chưa thay đổi kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất vào năm 2010, cũng như những việc cần phải thực hiện nhằm thúc đẩy BĐG và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.
Gia đình hạnh phúc là nền tảng để phụ nữ có thể cống hiến nhiều hơn trên các lĩnh vực xã hội. Ảnh Hiếu Nuôi
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Thường trực ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam từng phát biểu: “Sau gần 10 năm kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất, các kết quả thu được cho thấy, thay đổi tích cực đang diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực. Những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn. Điều này khẳng định, học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống”.
Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong thông điệp gửi tới Phiên cấp cao kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới lần thứ IV về phụ nữ tại Mỹ đã khẳng định mạnh mẽ chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam về thúc đẩy BĐG và trao quyền cho phụ nữ. Chủ trương này được Quốc hội Việt Nam thể chế hóa qua những văn bản pháp lý quan trọng. Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ những đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy BĐG và trao quyền cho phụ nữ tại các diễn đàn đa phương.
Các thế hệ lãnh đạo nữ Hà Tĩnh trò chuyện bên lề Kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVII. Ảnh Thanh Hoài
Những nỗ lực trong thực hiện BĐG thời gian qua đã giúp phụ nữ trên mọi miền đất nước tự tin thể hiện vai trò, vị thế của mình trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham chính ở Việt Nam đã tăng lên ở tất cả các cơ quan. Nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ ủy viên Bộ Chính trị là 15,8% (so với nhiệm kỳ trước tăng 3,3%), tỷ lệ nữ ủy viên Trung ương là 10% (tăng 1,5%). Tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIV (26,72%, tăng 24,4% so với khóa XIII) và (25,76% so với khóa XII)…
Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị đã tạo cơ hội cho phụ nữ có tiếng nói đầy đủ vào quá trình ra quyết định của quốc gia. Ví như những điều chỉnh về tuổi nghỉ hưu. Với những sửa đổi pháp luật này, phụ nữ sẽ có nhiều hơn cơ hội lao động và thăng tiến nghề nghiệp.
Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ nữ trong tổng số người được tạo việc làm mới, đạt và ổn định ở mức cao chiếm 48% năm 2018; tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở mức thấp, chiếm 2,19%. Về cơ bản, hiện nay, phụ nữ được khuyến khích tham gia các hoạt động khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cá thể; phụ nữ nghèo, phụ nữ ở khu vực nông thôn được hỗ trợ vay vốn, tiếp cận tín dụng để SXKD, nâng cao mức sống hộ gia đình.
“Bức tranh” bình đẳng giới ở Hà Tĩnh
Tại Hà Tĩnh, việc thực hiện Luật Bình đẳng giới được cụ thể hóa qua các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về sự tiến bộ của phụ nữ, về BĐG, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
Phụ nữ Hà Tĩnh nhất là phụ nữ trẻ luôn biết cách tự tạo cơ hội để sống hạnh phúc. Ảnh Hiếu Nuôi
Ông Đinh Hữu Công - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh: Sau 10 năm thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (2011-2020), đến nay đã có 15/22 chỉ tiêu đạt, trong đó có nhiều chỉ tiêu về giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa thông tin, lao động việc làm chúng ta đạt cao hơn bình quân chung cả nước. Phụ nữ Hà Tĩnh đã được tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, có kinh tế độc lập và được nâng cao địa vị trong gia đình. Đặc biệt, trong các gia đình nông thôn, miền núi, vai trò làm chủ của phụ nữ ngày càng được nâng lên.
Tại đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tăng hơn so với nhiệm kỳ 2015-2020. Cấp xã có 757/3.014 nữ tham gia ban chấp hành (đạt tỷ lệ 25,1%, tăng 7,3% so với nhiệm kỳ trước), cấp huyện có 82/477 nữ ủy viên ban chấp hành đảng bộ (chiếm 17,19%, tăng 3,59% so với nhiệm kỳ trước), cấp tỉnh có 7/53 nữ tham gia ban chấp hành (chiếm tỷ lệ 13,2%, tăng 2,3% so với cuối nhiệm kỳ 2015-2020).
Hiện toàn tỉnh có 21/47 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có lãnh đạo là nữ; trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo của đội ngũ nữ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, tỷ lệ có trình độ tiến sỹ chiếm 31,67%, nữ thạc sỹ chiếm 39%.
Ngày càng có nhiều mô hình kinh tế ở các vùng nông thôn do phụ nữ làm chủ. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Mai - chủ mô hình kinh tế ở thôn Anh Hùng xã Thượng Lộc - Can Lộc trong niềm vui “gặt hái” thành quả của mình.
Bà Tăng Thị Linh Chi - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Vai trò quan trọng của phụ nữ ngày nay không chỉ trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc mà còn ở việc thúc đẩy phát triển KT-XH, quản trị SXKD. Hiện, có gần 55.000 nữ là chủ hộ kinh doanh cá thể (chiếm tỷ lệ 86%), trên 5.500 mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm và hàng ngàn chị em phụ nữ là thành viên sáng lập, góp vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã... Số doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo đã tăng từ 10% (năm 2015) lên 14% (năm 2020)”.
Mặc dù đã đạt được những kết quả trên nhưng đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện lao động, việc làm, học tập, sinh hoạt của một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, miền núi, miền biển, vùng giáo còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ còn cao; tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em vẫn còn xẩy ra… Chương trình Tháng hành động bình đẳng giới năm nay đã và đang được Hà Tĩnh triển khai rộng rãi. Chắc chắn sự chung tay của cả hệ thống chính trị sẽ giúp giảm thiểu những hạn chế này trong thời gian tới.
Hôm nay : 229
Tháng này : 17874
Tổng truy cập : 70224265