Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra sáng 21/9, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành nhiều giải pháp để khối doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển đất nước.v
Nhà sáng lập, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Chủ tịch Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển bày tỏ, Tập đoàn luôn đồng hành, cống hiến vì sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước. Hiện nay, Tập đoàn đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực quan trọng với tổng trị giá hàng chục tỷ USD, nhất là dự án logistics công nghệ cao, tiên tiến tại Vĩnh Phúc nằm trong chuỗi giá trị, cung ứng nằm trong kết nối Trung Quốc và ASEAN, thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao vào đầu tư.
Tập đoàn đang hợp tác với các tập đoàn lớn của thế giới đầu tư dự án đầu tư điện gió, mặt trời với tổng công suất hơn 1.000MW đã đi vào hoạt động; khởi công dự án điện khí hơn 1.500MW ở Quảng Trị, ký hợp đồng với tập đoàn SK (Hàn Quốc) để sản xuất hydrogen; đầu tư tổ hợp khí và đầu tư sân bay ở Quảng Trị…
Đối với sân bay Quảng Trị đã có quy hoạch tích hợp tổ hợp đô thị công nghiệp sân bay, nhất là công nghiệp chế tạo, bảo trì, bảo dưỡng hàng không, tiến tới sản xuất các linh kiện từ cấp 1 đến cấp cao. Hiện, dự án đang được Tập đoàn tích cực triển khai và dự kiến tháng 5/2026 sẽ khánh thành sân bay Quảng Trị.
Do đó, Tập đoàn mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ quy hoạch này. Ông Đỗ Quang Hiển cũng mong Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương quan tâm, sớm xem xét dự án của Tập đoàn liên doanh với SK sản xuất hydrogen, thu hồi khí thải carbon cũng như liên doanh với một tập đoàn của Đan Mạch để xúc tiến dự án điện gió ngoài khơi. T&T cũng đang hợp tác với một tập đoàn lớn của Ấn Độ để đầu tư một khu công nghiệp dược ở Việt Nam. Mong Chính phủ có cơ chế giao nhiệm vụ cho các tập đoàn tư nhân phát triển các dự án công nghệ cao, đòi hỏi công nghệ, quản trị tài chính miễn là bảo đảm tuân thủ các quy định, nhất là liên quan an ninh quốc phòng; đào tạo, chuyển giao công nghệ.
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)Theo ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings, dưới sự điều hành của Chính phủ với các chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn vô cùng tin tưởng vào hướng đi đúng đắn này. KN Holdings cũng xác định phát triển bền vững là kim chỉ nam hoạt động, trong đó ưu tiên tập trung 2 lĩnh vực then chốt là xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và phát triển năng lượng tái tạo.
Với tầm nhìn dài hạn, tập đoàn hướng tới xây dựng các Trung tâm công nghiệp thế hệ mới hiện đại, nơi Việt Nam có thể dần làm chủ công nghệ và phát triển mạnh mẽ các trung tâm đào tạo nghề, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Tập đoàn kỳ vọng rằng, cùng với sự ủng hộ từ Chính phủ, sẽ ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu “Made in Vietnam” vươn ra thị trường quốc tế.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, cộng đồng doanh nghiệp rất tin tưởng rằng Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển khu công nghiệp thế hệ mới có quy mô cạnh tranh trên phạm vi khu vực. Đồng thời, mong Chính phủ có thể sớm ban hành những chính sách mới nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai đối với phát triển hạ tầng khu công nghiệp; có những chính sách khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Điều này sẽ không chỉ giúp thu hút thêm các doanh nghiệp vệ tinh mà còn thúc đẩy Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế của đất nước trong nền kinh tế quốc tế đầy cạnh tranh hiện nay.
Về lĩnh vực năng lượng, Chính phủ đã thể hiện sự ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo góp phần hiện thực hóa cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu thông qua việc ban hành Quy hoạch Điện VIII vừa qua. Nhân dịp này, Tập đoàn mong Thủ tướng, các bộ, ngành quan tâm, xem xét cho các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, bảo đảm tính khả thi triển khai nhanh, thực hiện theo hình thức mua bán điện trực tiếp và ít sử dụng đất như các dự án điện mặt trời nổi phù hợp với tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, thì được ưu tiên triển khai trong Kế hoạch Điện VIII và xem xét tăng thêm công suất trong điều chỉnh Quy hoạch Điện lực Quốc gia. Điều này không chỉ góp phần gia tăng nguồn năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế trong tương lai, mà còn thu hút các Tập đoàn lớn mong muốn sử dụng năng lượng sạch để đạt được chứng nhận xanh cho sản phẩm của họ. Đây là xu hướng toàn cầu và cũng là tiêu chuẩn của các thương hiệu sản xuất quốc tế. Tập đoàn KN Holdings cam kết luôn đồng hành cùng Chính phủ trong mọi nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, tuân thủ pháp luật và tích cực đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng bày tỏ vui mừng vì Hội nghị này là cơ hội cho các doanh nghiệp được góp ý kiến, được tiếng nói mà còn thể hiện sự quan tâm, động viên to lớn của Chính phủ, truyền lửa để các tập đoàn, doanh nghiệp có thể có thêm năng lượng và tiềm lực để phấn đấu cho cộng đồng cho xã hội. Về lĩnh vực giáo dục, Vingroup đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phần đào tạo là bằng tiếng Anh, phổ cập tiếng Anh, không chỉ là trong các thị trường công lập, và nên từ các lớp bé cho đến các cái lớp sau và cho toàn dân để chúng ta hướng đến là một xã hội hội nhập toàn cầu thì tiếng Anh rất quan trọng.
Về vấn đề đầu tư nhà ở xã hội, Vingroup kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian thủ tục; cho phép làm công tác chuẩn bị dự án đồng thời các loại quy hoạch: quy hoạch chung và phân khu và chi tiết cả nhiệm vụ, đồ án được làm, đồng thời song song; phê duyệt thì theo đúng quy định, quy hoạch trong tập trung rồi, đến phân khu rồi đến chi tiết, như vậy là rút ngắn được từ 6 đến 9 tháng, như vậy thì ta sẽ đẩy rất nhanh. Vingroup đã đăng ký đầu tư phát triển 500.000 căn nhà ở xã hội mà vẫn chưa đạt được do thủ tục còn đang dang dở. Ông đề nghị Chính phủ có các cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Nếu chúng ta đẩy mạnh được vấn đề này thì sẽ có nền công nghiệp phụ trợ rất mạnh. Ông cho biết, sản lượng của Vinfast hiện nay là 80.000 xe/năm, sang năm là 200.000 xe thì rõ ràng là vượt qua ngưỡng mà các doanh nghiệp hỗ trợ có thể kinh doanh có lãi rồi. Vinfast sẵn sàng cam kết bao tiêu toàn bộ những linh kiện đó. Đây là cơ hội để chúng ta có thể thúc đẩy nền công nghiệp hỗ trợ và phát triển.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long bày tỏ phấn khởi vì Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, nhưng để đất nước phát triển, cần tích cực tháo gỡ về thể chế chính sách, nhất là cần nhanh chóng, sửa đổi các luật nhanh hơn nữa, điều đó sẽ có lợi cho các doanh nghiệp, trong đó, ông lấy ví dụ Chính phủ cần sớm phê duyệt quy hoạch cảng biển vì vấn đề này liên quan chặt chẽ nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp.
Về phát triển công nghiệp phụ trợ, theo ông Trần Đình Long mong Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành có các chính sách cụ thể, rõ ràng ủng hộ, bảo hộ sản xuất trong nước trên cơ sở phù hợp các thông lệ quốc tế; có các chính sách đặc thù để nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp lớn. Ông kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ phát triển các mỏ sắt trong nước để giảm chi phí nhập khẩu quặng sắt cho doanh nghiệp, cụ thể là cần thiết đưa mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai) vào hoạt động. Ông cũng bày tỏ, về vấn đề kỹ thuật, Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray các đường sắt tốc độ cao.
Bà Thái Hương, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)Bà Thái Hương, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, nhấn mạnh, cần phải tận dụng cơ hội ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò sữa; cần có chính sách thực tế trong ngành này vì liên quan sức khỏe cho người Việt Nam. Cần ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ quản trị hiện đại để tạo giá trị cao trong ngành sữa. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc ứng dụng này còn hạn chế, do đó, chúng ta cần phải làm thay đổi cơ bản trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo bà Thái Hương, ngành sản xuất sữa có thể giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu, từ đó tạo các sản phẩm dinh dưỡng, góp phần thúc đẩy gia tăng tăng chiều cao cho thế hệ người Việt Nam. Bà kiến nghị Chính phủ cần quan tâm chương trình sữa học đường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trẻ em được uống sữa bảo đảm chất lượng. Cần tập trung tích tụ đất đai, thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư nông nghiệp, nông dân trở thành công nhân nông nghiệp - là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất. Hiện nay, quỹ đất đai của các nông, lâm trường còn rất lớn, trong khi sử dụng không hiệu quả.
Do đó, bà kiến nghị Chính phủ cần đánh giá lại, từ đó tận dụng được các quỹ đất này để phát triển sản xuất, kết hợp phát triển du lịch gắn với sản xuất, làng nghề… Bà cũng mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ủng hộ tập đoàn phát triển 3 dự án trồng rừng tại Nghệ An, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)Ông Đặng Minh Trường hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group đề xuất thể chế hóa, với cơ chế đặc thù cho việc thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án động lực phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, có cơ chế về giao đất, thuế đất; cơ chế ưu tiên các dự án có hiệu quả tổng hợp; tiếp tục cải cách hành chính, thủ tục đầu tư theo hướng nhanh hơn, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn; khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án theo hình thức BT; xem xét thí điểm mô hình, cơ chế đặc thù tương tự như mô hình khu kinh tế tự do trên thế giới; xem xét có chính sách thí điểm tạo điều kiện thuận lợi cho phép người nước ngoài mua bán, sở hữu bất động sản du lịch; có cơ chế chính sách có cơ chế đặc thù để hỗ trợ việc xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP nhằm kết nối giao thông tới các điểm đến du lịch tiềm năng nhưng còn khó tiếp cận, trong đó cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác tác công tư được vượt quá 50% tổng mức đầu tư.
Chủ tịch Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền bày tỏ, cần có cuộc cách mạng về trí tuệ, tư duy mới đột phá: theo đó cần tăng cường phân cấp, phân quyền vì ở bên dưới vẫn còn một “rừng cơ chế”; cần tạo điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư về việc giải phóng mặt bằng, nếu không thì dự án triển khai rất lâu. Cần tăng cường giao trách nhiệm cho nhà đầu tư vì hiện nay các địa phương đều có các quy hoạch chung, không cần thiết trình lại dự án lên cấp trên thì mất thời gian; có các cơ chế đặc thù giao đất cho các doanh nghiệp phát triển dự án. Đối với các dự án đường cao tốc cần có các cơ chế đặc thù, nhất là trong sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.
Hôm nay : 490
Tháng này : 23655
Tổng truy cập : 97802705